VDSC: Động lực tăng trưởng suy yếu nhưng áp lực tỷ giá hạ nhiệt nhanh chóng

17-12-2022 14:32|Vàng Chan

Nhóm phân tích VDSC cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để NHNN tích trữ lại dự trữ ngoại hối sau một giai đoạn sụt giảm mạnh.

Diễn biến sản xuất công nghiệp (SXCN) và thương mại, dịch vụ tháng 11/2022 sát với kỳ vọng

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, trong tháng 11/2022, tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 5,3% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng đã điều chỉnh là 5,5% trong tháng 10/2022, đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất từ tháng 10/2021.

Trong năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp bắt đầu phục hồi từ tháng 11, như vậy, các chuyên gia tại VDSC cho rằng, tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 11 có phần tốt hơn tháng 10.

Chỉ số sản xuất của lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đi ngang trong tháng 11, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Xét về sản lượng, những ngành có tăng trưởng âm so với cùng kỳ gồm: trang phục, sắt thép, điện thoại và ti vi. Một số ngành duy trì được tăng trưởng là dầu khí, xăng dầu, giày dép, linh kiện điện thoại và xe máy.

Chỉ số quản trị mua hàng của Việt Nam trong tháng 11 thu hẹp, đạt 47,7 điểm, chấm dứt chuỗi mở rộng 13 tháng liên tục. Một số điểm nổi bật trong báo cáo PMI là sản lượng, đơn hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đều giảm.

Trong khi đó tiền đồng mất giá mạnh trong tháng 11 khiến chi phí đầu vào tăng nhanh hơn tháng trước, trong khi đó, giá đầu ra giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020. Mức suy giảm của chỉ số PMI khá tương đồng với giai đoạn 2012-13, và sụt giảm ít hơn giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

VDSC: Động lực tăng trưởng suy yếu nhưng áp lực tỷ giá hạ nhiệt nhanh chóng

Bức tranh của lĩnh vực dịch vụ vẫn đang tốt hơn lĩnh vực sản xuất. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 2,6% so với tháng trước và 17,5% so với cùng kỳ. Theo nhóm hàng, doanh thu bán lẻ thực phẩm 10 tháng tăng trưởng 10,0% so với cùng kỳ.

Xu hướng tăng giá của hàng hoá, dịch vụ trong nền kinh tế vẫn chưa dừng lại. Lạm phát chung và lạm phát lõi đều tăng 0,4% so với tháng trước. So với cùng kỳ, mức tăng của chỉ số lạm phát là cao nhất kể từ tháng 3/2020, thể hiện qua chỉ số giá giao thông (+2,2% so với tháng trước), chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng xấp xỉ 1%, cao hơn mức tăng 0,7% của tháng trước. Mặc dù chỉ số giá lương thực & thực phẩm giảm nhẹ trong tháng 11 nhưng nhóm lương thực tăng khá cao (0,6% so với tháng trước), chủ yếu là do giá gạo tăng.

Thương mại chuyển sang tăng trưởng âm

Theo VDSC, tình hình xuất khẩu yếu đi nhanh hơn, xuất khẩu tháng 11/2022 giảm 8,9% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 4,9% của tháng 10 và 9,9% của tháng 9.

Trong đó, khu vực kinh tế nước ngoài và trong nước tăng trưởng âm lần lượt là 7,1% và 13,1% so với cùng kỳ. Theo mặt hàng, xuất khẩu hàng điện tử sụt giảm mạnh (-13,2% so với cùng kỳ) chỉ đứng sau mức giảm của mặt hàng kim loại (-44,2% so với cùng kỳ). Xuất khẩu máy móc và đồ gỗ giảm khoảng 7% so với cùng kỳ, hàng nông sản giảm 3,6%, còn dệt may chỉ tăng 1,0% so với cùng kỳ.

Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu tháng 11/2022 giảm 7,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 6,7% trong tháng trước. Tương tự như xuất khẩu, nhập khẩu nguyên vật liệu hàng điện tử giảm rất mạnh (-24,9% so với cùng kỳ), mức giảm yếu hơn được ghi nhận ở nhóm nguyên vật liệu dệt may và máy móc thiết bị (giảm lần lượt 7,5% và 4% so với cùng kỳ). Nếu loại trừ đi ảnh hưởng của giá trị nhập khẩu xăng dầu tăng thì nhập khẩu của nền kinh tế giảm lên đến 10,7%.

VDSC: Động lực tăng trưởng suy yếu nhưng áp lực tỷ giá hạ nhiệt nhanh chóng

So với tháng trước, xuất khẩu giảm khá mạnh (-4,4%) trong khi đó nhập khẩu tăng nhẹ (+1,3%). Mức tăng trung bình động 3 tháng gần nhất thì kim ngạch thương mại tăng không đáng kể, xuất khẩu tăng 2,0% so với cùng kỳ và nhập khẩu tăng 1,3% so với cùng kỳ. Theo VDSC, xu hướng này có thể tiếp diễn trong các tháng tiếp theo.

Tỷ giá đảo chiều nhanh chóng từ đầu tháng 12

Tỷ giá USD/VND có diễn biến khá bất ngờ trong nửa đầu tháng 12/2022 khi tiền đồng gần như phục hồi nhanh chóng từ mức mất giá kỷ lục là 8,9% xuống chỉ còn mất giá 3,5% so với đầu năm.

VDSC: Động lực tăng trưởng suy yếu nhưng áp lực tỷ giá hạ nhiệt nhanh chóng

Diễn biến của tiền đồng diễn ra trong bối cảnh thị trường tiền tệ toàn cầu cũng đã đảo chiều rất nhanh trong tháng 11 và 12, các nhà giao dịch tiền tệ rõ ràng đang đặt cược vào việc đồng USD suy yếu. T

ừ mức tăng kỷ lục là 19,3%, chỉ số đồng USD hiện chỉ còn tăng 8,7% so với đầu năm, cùng với đó là sự mạnh lên của một loạt đồng tiền khác. Thị trường tiền tệ thế giới đang tìm đến điểm cân bằng mới với những kỳ vọng mới cho bức tranh kinh tế và chính sách năm 2023.

Ở trong nước, nhận thấy tâm lý đầu cơ găm giữ tỷ giá đã giảm đi đáng kể, nguyên nhân chính là do cuộc cạnh tranh lãi suất tiền gửi giữa các NHTM đã thu hút người gửi tiền chuyển tiết kiệm sang tiền đồng, theo VDSC.

Với nguồn cung ngoại tệ cuối năm dồi dào hơn ở khía cạnh kiều hối, giải ngân FDI, thặng dư cán cân thương mại thì xu hướng trong ngắn hạn đang ủng hộ sự ổn định của tiền đồng. NHNN đã khởi động lại kênh mua ngoại tệ, giá mua niêm yết của NHNN hiện đang là 23.450 đồng/USD, cao hơn khoảng 100 đồng so với giá mua của các NHTM, giá bán USD của NHNN cũng đã giảm 40 đồng so với đầu tháng 11/2022 còn 28.430 đồng/USD.

Các chuyên gia tại VDSC cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để NHNN tích trữ lại dự trữ ngoại hối sau một giai đoạn sụt giảm mạnh.

Trước đó, Chứng khoán VnDirect cũng cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, NHNN đã phải bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá (tương đương 20% dự trữ ngoại hối). Điều này đã khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF (thấp hơn 3 tháng nhập khẩu).

Trong năm 2023, nhóm phân tích kỳ vọng thặng dư thương mại đạt mức 12,0 tỷ USD, từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 10,4 tỷ USD trong năm 2022; tài khoản vãng lai chuyển sang thặng dư ở mức 0,4% GDP vào năm 2023 từ mức thâm hụt dự kiến là 1,3% GDP trong năm 2022. Do đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3,0 tháng nhập khẩu và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023 từ mức hiện tại là 89 tỷ USD.

VnDirect cũng dự báo áp lực mất giá của đồng VND sẽ giảm đáng kể từ quý 2/2023 và đồng VND có thể tăng 1-2% so với USD trong năm 2023, do FED chuyển từ chính sách "thắt chặt tiền tệ" sang "bình thường hóa" vào năm tới.

Vĩnh Hoàn, Nam Việt hưởng lợi gì từ chính sách thuế của ông Donald Trump?

VN-Index có thể đạt mốc 1.345 điểm trước mùa BCTC quý IV/2024

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kiến Thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vdsc-dong-luc-tang-truong-suy-yeu-nhung-ap-luc-ty-gia-ha-nhiet-nhanh-chong-162703.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    VDSC: Động lực tăng trưởng suy yếu nhưng áp lực tỷ giá hạ nhiệt nhanh chóng
    POWERED BY ONECMS & INTECH