Vì giá trị hàng trăm năm, Hải Dương sẽ đặt lại tên xã, phường
Chủ tịch tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu nhấn mạnh vì giá trị hàng trăm năm, tỉnh đang bàn kỹ lại phương án đặt tên xã, phường theo địa danh, danh nhân văn hoá thay vì theo số thứ tự.
Ngày 23/4, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng đã chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo triển khai đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, tập trung xem xét và lựa chọn tên gọi cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh đã nghe báo cáo về phương án điều chỉnh tên của 64 đơn vị hành chính cấp xã. Các đại biểu đã thảo luận và đóng góp ý kiến chi tiết đối với dự kiến tên của từng địa phương.
Các tên xã, phường được đề xuất đều trải qua quá trình chọn lọc kỹ lưỡng, ưu tiên các địa danh nổi tiếng, gắn liền với danh nhân văn hóa, vị trí địa lý, giá trị truyền thống và văn hóa đặc sắc của tỉnh. Các phương án đặt tên đều được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đạt được sự đồng thuận và ủng hộ cao từ cộng đồng nhân dân.

Ông Trần Đức Thắng đánh giá cao sự chủ động, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị và lãnh đạo tỉnh trong việc nghiên cứu, đề xuất các tên gọi mới. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn tên gọi vừa phù hợp, gần gũi với người dân, vừa gắn liền với địa danh, lịch sử, văn hóa truyền thống của từng vùng đất.
Ngay sau phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai các nhiệm vụ tiếp theo, đảm bảo hoàn thành đồng bộ, chất lượng và đúng tiến độ. Mục tiêu là kịp thời trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh thông qua đề án, hoàn tất các thủ tục để trình Trung ương trước ngày 1/5.
Đối với các vấn đề phát sinh khi thực hiện, các lãnh đạo địa phương kịp thời báo cáo để giải quyết kịp thời, thấu tình, đạt lý.
Cũng trong cuộc họp, ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng tên gọi các xã, phường sau sắp xếp vì việc này có ý nghĩa hàng trăm năm.
Do đó, đặt tên gọi các đơn vị xã sau sáp nhập nên chọn đặt tên theo các danh nhân, địa danh… nhằm tôn vinh được các giá trị văn hoá, lịch sử của địa phương.

Ý kiến của ông Châu cũng chính là nguyện vọng tâm tư của người dân Hải Dương, sau khi được lấy ý kiến về các phương án đặt tên xã, phường.
Hải Dương yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung công tác tuyên truyền, chủ động lắng nghe, tiếp thu ý kiến và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Trước khi thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường, tỉnh Hải Dương có 207 đơn vị (151 xã, 46 phường, 10 thị trấn). Sau khi sắp xếp, tỉnh còn 64 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 21 phường, 43 xã), giảm 143 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 118 xã, thị trấn và 25 phường).

Trước đó, một số ý kiến đề xuất sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, phường và đặt tên theo cấu trúc "tên huyện/thị/thành phố + số thứ tự". Tuy nhiên, phương án này khiến phát sinh nhiều ý kiến lo ngại về việc không bảo tồn được các giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng của từng địa phương, đồng thời có thể gây ra sự trùng lặp và khó khăn trong nhận diện.
Lắng nghe ý kiến từ người dân và dư luận, tỉnh Hải Dương đã quyết định điều chỉnh hướng tiếp cận. Theo đó, tỉnh khuyến khích và định hướng các địa phương nghiên cứu, đề xuất đặt tên cho các đơn vị hành chính cấp xã, phường mới dựa trên tên gọi của các danh nhân lịch sử, các địa danh nổi tiếng, hoặc gắn liền với các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu. Quyết định này thể hiện sự tôn trọng đối với lịch sử, văn hóa địa phương và mong muốn tạo ra những tên gọi ý nghĩa, dễ đi vào lòng người dân.
>>Đặt tên xã, phường có gắn số thứ tự: Người dân lên tiếng, địa phương hành động
Thành phố xô đổ hàng loạt kỷ lục chỉ sau một đêm, sau sáp nhập còn bao nhiêu phường, xã?
Đà Nẵng, Quảng Trị bỏ cách đặt tên phường, xã mới theo số thứ tự 1, 2, 3