Vĩ mô biến động mở ra 'thế trận' mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Biến động vĩ mô toàn cầu, từ lãi suất của Fed đến các chính sách kích thích kinh tế châu Á, đang tạo áp lực lớn lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Những yếu tố này không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng dài hạn mà còn đòi hỏi thị trường điều chỉnh trước biến động tỷ giá và dòng tiền ngắn hạn.
Ông Nguyễn Nhật Minh - chuyên gia quản lý tài sản |
Thị trường tài chính toàn cầu đang trải qua nhiều biến động khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ lãi suất vào tháng 9 và để ngỏ khả năng tiếp tục cắt giảm trong các kỳ họp tới. Quyết định này được thúc đẩy bởi hai yếu tố chính: Tỷ lệ thất nghiệp tăng và lạm phát duy trì ổn định ở mức 2,3-2,4%, gần mục tiêu 2% của Chính phủ Mỹ. Trong bối cảnh này, việc giảm lãi suất trở thành giải pháp cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, đồng USD lại có xu hướng ngược chiều khi chỉ số DXY tăng khoảng 3% ngay sau thông báo của Fed. Diễn biến này có thể do dòng vốn ngắn hạn đổ vào USD với kỳ vọng thay đổi chính sách kinh tế nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử. Các chuyên gia tài chính nhận định rằng sự biến động này chỉ mang tính tạm thời trong ngắn hạn.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng đã bắt đầu cắt giảm lãi suất từ 3,5% xuống 3,25%. Trong khi đó, Trung Quốc triển khai một loạt gói tín dụng kích thích kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, nhằm củng cố niềm tin của người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, chính sách kinh tế vĩ mô cũng được điều chỉnh để thích ứng với bối cảnh quốc tế. Trong tháng 10, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu trị giá 34.000 tỷ đồng nhằm hút thanh khoản VND và giảm áp lực tỷ giá USD/VND. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đã đạt mức 8,53%, cho thấy nhu cầu vốn đang dần phục hồi.
GDP Việt Nam sau 9 tháng tăng 6,82% so với cùng kỳ, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ và tăng trưởng xuất khẩu. Giải ngân đầu tư công cũng đang được tập trung vào các dự án chiến lược, nhằm thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, tạo động lực tăng trưởng cho quý cuối năm. Tuy nhiên, một số vấn đề ngắn hạn vẫn tồn tại như tỷ giá và nhu cầu tiêu dùng chưa ổn định, khiến tín dụng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tài chính và bất động sản.
Với bối cảnh hiện tại, báo cáo tài chính quý III/2024 của các doanh nghiệp Việt Nam có thể phản ánh rõ những thách thức và cơ hội trong giai đoạn tới.
Các doanh nghiệp thuộc nhóm dịch vụ tài chính như chứng khoán và ngân hàng nhiều khả năng đạt kết quả tích cực. Ngược lại, các ngành truyền thông, bảo hiểm và bất động sản đang đối diện với nhiều thách thức. Kết quả kinh doanh quý III sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm lựa chọn và mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới.
Một yếu tố quan trọng khác đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là thông tư mới từ Bộ Tài chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh, nhằm tiến tới nâng hạng thị trường vào năm 2025. Nếu thành công, Việt Nam sẽ thu hút khoảng 7,2 tỷ USD vốn ngoại gián tiếp từ các quỹ đầu tư lớn, hỗ trợ việc định giá cổ phiếu phù hợp hơn với nhu cầu thị trường và tiềm năng của các doanh nghiệp, đồng thời giúp tăng tính ổn định và bền vững của thị trường. Đây sẽ là cơ hội lớn để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển trong trung và dài hạn.
Bài viết của chuyên gia quản lý tài sản Nguyễn Nhật Minh
>> Margin chưa căng, doanh nghiệp gia tăng thế chấp cổ phiếu để xoay tiền?
Cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2024: MBB, HDB, VPB, STB, VRE, HPG, GEX, HAG...
Khả năng Fed không tiếp tục mạnh tay hạ lãi suất đẩy đồng yên trượt giá