Kiến thức

Vì sao có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng vì một con tôm?

Phương Thuý 16/02/2025 - 15:24

Người phụ nữ vào viện cấp cứu trong tình trạng môi lưỡi sưng phù, khó thở tăng cao, nguy cơ phải mở ống nội khí quản sau khi ăn một con tôm.

Mới đây, bà N.T.H (71 tuổi, trú tại thành phố Hà Giang) được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, lưỡi sưng phù nhiều, chèn ép vào đường thở.

Trước đó, bà H. ăn tôm và xuất hiện đau tức nghẹn vùng cổ, lưỡi sưng phù nhanh chóng, che lấp hết khoang miệng dẫn đến khó thở.

Tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện tỉnh Hà Giang, các bác sĩ đánh giá nữ bệnh nhân có tình trạng khó thở cấp, nguy cơ ngạt thở do chèn ép, có thể ngừng thở bất cứ lúc nào. Bà H. được chẩn đoán sốc phản vệ mức độ nguy kịch, có thể phải mở khí quản trong tình trạng chèn ép đường thở tăng.

Sau khi sử dụng phác đồ sốc phản vệ của Bộ Y tế, tình trạng bệnh nhân cải thiện, lưỡi đỡ sưng phù, đỡ khó thở. Sau 12 giờ điều trị, bà H. đã ổn định sức khỏe.

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hiệp hội Da liễu Việt Nam, trong thời gian trực Tết, ông gặp rất nhiều ca cấp cứu vào viện với triệu chứng nổi mề đay, khó thở do ăn các món đặc sản trong đó phổ biến nhất là hải sản, các loại côn trùng.

Điển hình như trường hợp bà B.T.T (51 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) được gia đình đưa vào cấp cứu trong tình trạng mẩn khắp người, mề đay nổi rộp cả miệng, gây bít tắc đường thở.

tôm lược.png
Một số người dị ứng với tôm. Ảnh: P.T.

Trước đó, người phụ nữ này đi ăn cơm đầu năm tại nhà người quen. Bà T. có tiền sử dị ứng hải sản vỏ cứng. Do không để ý, bà ăn canh mọc tôm thịt, 30 phút sau xuất hiện ngứa cổ tăng dần, sưng phồng môi, mắt, tình trạng ngày càng nặng nên gia đình đưa vào bệnh viện.

Giáo sư Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức và Chống độc Việt Nam cho biết, phản vệ là một phản ứng dị ứng ở người, có thể xuất hiện lập tức, vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên. Tình trạng có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng, gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau.

Bất cứ ai cũng có nguy cơ sốc phản vệ từ thuốc tới thức ăn. Trong đó, phản vệ với thực phẩm khá thường gặp từ nhẹ tới nặng.

Nguy hiểm của sốc phản vệ là gây phù hạ họng, thanh quản, phản ứng co thắt phế quản rất mạnh khiến đường thở bị chít hẹp, gây thiếu oxy, đặc biệt là thiếu oxy não. Phản ứng này còn làm giãn mạch, giảm lưu thông máu, không khắc phục sớm có thể dẫn tới tử vong.

Bác sĩ Thành cho biết thêm, các thực phẩm có nguy cơ cao gây sốc phản vệ gồm đặc sản thú rừng như thịt nhím, lợn rừng hoặc rau rừng, hải sản, côn trùng, thực phẩm chứa protein lạ, rượu ngâm các loại rắn, bọ cạp.

Vì vậy, sau khi ăn uống thực phẩm có dấu hiệu phù mạch tại môi, mắt, lưỡi hoặc cổ họng, khó thở; đau bụng dữ dội, tiêu chảy hoặc nôn ói; hạ huyết áp, chóng mặt, ngất xỉu, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế.

Những người dị ứng với các thực phẩm trên hết sức thận trọng, không nên có tâm lý ăn thử. Đặc biệt, ai không ăn được hải sản nên hỏi người chế biến trong các món nem, chả có chứa tôm, ghẹ hay không, tránh sốc phản vệ.

>>3 mối nguy tiềm ẩn khi ăn tôm

Trung Quốc vung tiền gom tôm hùm Việt, thành khách VIP nhất vượt cả Mỹ

Hãng khoai tây chiên nổi tiếng nước Mỹ có sản phẩm quen mặt tại Việt Nam thu hồi gấp sản phẩm vì nguy cơ gây dị ứng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nhieu-nguoi-cap-cuu-vi-mot-con-tom-2371741.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vì sao có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng vì một con tôm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH