Thế giới

Vì sao Mỹ 'truy sát' suốt 12 năm nhưng không 'tiêu diệt' nổi Huawei?

Hoàng Yến 20/06/2024 14:26

"Chú Sam” không những thất bại trong việc “giết” Huawei mà còn khiến ông lớn công nghệ Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

"Đã đến lúc cầm súng"

Ren ZhengFei, nhà sáng lập tập đoàn Huawei, thường sử dụng ngôn ngữ đậm chất quân đội khi nói về những “cuộc đụng độ” giữa công ty của ông và nước Mỹ. “Đã đến lúc cầm súng, lên ngựa và bước vào trận chiến”, ông nói trong một cuộc họp nội bộ năm 2018. Năm 2019, ông tiếp tục khuyến khích các nhân viên siết chặt mối liên hệ với “những cỗ xe tăng của Huawei” và đưa họ vào “mặt trận”.

Lý do đằng sau rất dễ hiểu: Huawei đã bị Mỹ “tấn công” từ nhiều phía trong suốt thập kỷ vừa qua. Năm 2012, Chính phủ Mỹ bắt đầu buộc tội Trung Quốc sử dụng tập đoàn này cho mục đích gián điệp. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào năm 2018, khi Giám đốc tài chính của Huawei (cũng là con gái ông Ren) bị bắt với tội danh vi phạm lệnh trừng phạt Iran.

Đến năm 2020, Mỹ tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao khi cấm hầu hết các công ty của nước này làm ăn kinh doanh với Huawei, đồng thời cũng cấm các công ty nước ngoài bán chip và các thiết bị có sử dụng công nghệ Mỹ cho Huawei. Mỹ cũng tìm cách thuyết phục các nước khác không sử dụng thiết bị do Huawei sản xuất cho mạng điện thoại di động.

Vì sao Mỹ 'truy sát' suốt 12 năm nhưng không 'tiêu diệt' nổi Huawei?
Huawei đã bị Mỹ “tấn công” từ nhiều phía trong suốt thập kỷ vừa qua

Những đòn tấn công dồn dập khiến Huawei gặp rất nhiều khó khăn. Hãng buộc phải bán thương hiệu smartphone chủ chốt của mình vì thiếu chip. Hơn một chục quốc gia giàu có loại bỏ Huawei khỏi danh sách các nhà thầu 5G. Doanh thu của hãng sụt giảm 30% trong năm 2021, lợi nhuận ròng bốc hơi 70% vào năm 2022. Đó cũng là năm mà ông Ren quyết tâm kêu gọi toàn bộ nhân viên hãy chiến đấu đến cùng: “Đầu tiên là để sống sót, và để có tương lai nếu như chúng ta có thể sống sót”.

Cho đến nay Mỹ vẫn chưa dừng bước. Ví dụ, tháng 5 vừa qua, các cơ quan quản lý nước này đã hủy bỏ giấy phép đặc biệt khiến 2 ông lớn Intel và Qualcomm phải ngừng bán chip máy tính cho Huawei. Tuy nhiên, chúng ta đang có 1 bức tranh hoàn toàn khác. Huawei không chỉ sống sót mà đang trỗi dậy mạnh mẽ.

>> Huawei đạt doanh thu 6 tỷ USD, sản lượng chip 8 triệu chiếc, cao gấp 4 lần Goolge

Quý I/2024, lợi nhuận ròng của Huawei tăng 564% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 19,7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,7 tỷ USD). Huawei cũng đã tái gia nhập thị trường thiết bị cầm tay và doanh thu từ mảng thiết bị viễn thông tăng trưởng trở lại. Điều đáng nói là Huawei đạt được thành tích này phần lớn là nhờ thay thế các công nghệ nước ngoài bằng thiết bị và công nghệ do họ tự sản xuất ra, giúp giảm đáng kể nguy cơ bị Mỹ tấn công trong tương lai.

Không chỉ dừng lại ở phần cứng, từ năm 2012 Huawei cũng phát triển một hệ điều hành riêng có tên gọi Harmony. Ban đầu chỉ nhằm mục đích sử dụng trên đồng hồ và một số thiết bị khác, cuối cùng Harmony đã được sử dụng ngay trong điện thoại do Huawei sản xuất vì bị Mỹ cấm vận cả phần mềm. Theo số liệu mới nhất, hiện Harmony đã có tới 700 triệu người dùng và vừa vượt mặt iOS của Apple ở thị trường tỷ dân.

"Chú Sam” không những thất bại trong việc “giết” Huawei mà còn khiến ông lớn công nghệ Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Hồi sinh mạnh mẽ

Từng là một quân nhân, ông Ren thành lập Huawei ngay trong căn hộ ở Thượng Hải vào năm 1987, bắt đầu bằng cách nhập khẩu thiết bị viễn thông rồi bán lại cho khách hàng Trung Quốc. Vì là một kỹ sư, ông nhanh chóng có thể tự làm lại các thiết bị này. Thị trường viễn thông Trung Quốc bùng nổ giúp Huawei tăng trưởng nhanh chóng. Đến năm 2020, Huawei không chỉ là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới mà còn là nhà cung cấp thiết bị mạng di động lớn nhất với thị phần 30%.

Ông Ren chưa bao giờ ngừng đặt ra những tham vọng cho Huawei. Trụ sở của tập đoàn ở Thâm Quyến khiến người ta choáng ngợp vì độ lớn và những tòa nhà mang đậm phong cách lâu đài châu Âu.

Mỹ có nhiều lý do để lo lắng về Huawei. Doanh thu của Huawei trong năm ngoái (khoảng 100 tỷ USD) cao gấp đôi so với công ty công nghệ nổi tiếng Oracle của Mỹ. Còn mức lợi nhuận 12,3 tỷ USD tương đương với Cisco System và vượt xa những đối thủ cùng ngành như Ericsson và Nokia. Huawei chỉ có quy mô bằng một nửa Samsung nhưng số tiền chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cao hơn rất nhiều. Năm 2023, Huawei có ngân sách 23 tỷ USD cho R&D, chỉ kém cạnh so với 4 ông lớn công nghệ của Mỹ là Alphabet, Amazon, Apple và Microsoft.

Vì sao Mỹ 'truy sát' suốt 12 năm nhưng không 'tiêu diệt' nổi Huawei?
Theo lãnh đạo Huawei tuyên bố, đã có khoảng 13.000 linh kiện từng được nhập khẩu nay đã được thay thế bằng linh kiện Trung Quốc

Mảng kinh doanh chính của Huawei vẫn là thiết bị mạng viễn thông, chiếm một nửa doanh thu trong năm ngoái. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bộ phận này cũng thành lập các đội kỹ sư để triển khai dịch vụ tư vấn kỹ thuật cho đủ loại dự án từ cảng biển đến mỏ than. Những sáng kiến mới này giúp Huawei có được lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ phương Tây như Cisco Systems, Siemens và Honeywell.

Trong khi đó, mảng tiêu dùng (đóng góp 1/3 doanh thu) làm tất cả các thiết bị có thể kết nối 5G. Huawei đã có khởi đầu tốt với chiếc điện thoại thông minh được chào đón nồng nhiệt, nhưng bên cạnh đó còn có đồng hồ, tivi và hệ thống kiểm soát nhiều loại xe điện ở Trung Quốc. Doanh thu từ các thiết bị này tăng trưởng khoảng 17% trong năm 2023, chủ yếu đến từ smartphone.

Mảng điện toán đám mây đóng góp khoảng 10% doanh thu và cũng ghi nhận mức tăng trưởng 22% trong năm ngoái. Trong khi Microsoft thu hẹp hoạt động ở Trung Quốc vì căng thẳng giữa 2 nước, Huawei được cho là đang tận dụng cơ hội để tuyển những kỹ sư không còn việc làm ở Microsoft. Một mảng khác đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng vượt bậc là năng lượng, bao gồm mạng lưới trạm sạc xe điện và chuyển đổi điện.

Tất nhiên không phải các lệnh trừng phạt của Mỹ không có tác động gì đến Huawei. Nhưng chính sóng gió lại giúp cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn quay trở lại tập trung vào Trung Quốc. Doanh thu từ các thị trường nước ngoài đã giảm từ mức 50% trong năm 2017 xuống chỉ còn 1/3 ở thời điểm hiện tại. Huawei cũng tập trung vào cải tiến sáng tạo để giảm bớt rủi ro địa chính trị, hiện tập đoàn có khoảng 114.000 nhân viên (tương đương một nửa) làm việc trong mảng R&D.

Theo ông Ren tuyên bố, đã có khoảng 13.000 linh kiện từng được nhập khẩu nay đã được thay thế bằng linh kiện Trung Quốc. Smartphone Mate60 Pro+ mà Huawei ra mắt tháng 9 năm ngoái với khoảng 70% linh kiện được sản xuất ở trong nước là lực đẩy lớn giúp công ty chiếm được 15,5% thị phần tại Trung Quốc trong quý I vừa qua, sánh ngang với Apple. Mate60 Pro+ sử dụng con chip do SMIC (1 công ty quốc doanh) sản xuất.

Vì sao Mỹ 'truy sát' suốt 12 năm nhưng không 'tiêu diệt' nổi Huawei?
Huawei không những không lụi tàn mà đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết

Huawei - Mô hình kiểu mẫu

Ngành bán dẫn của Trung Quốc hiện vẫn còn thiếu nhiều linh kiện và công cụ cần thiết để có thể hoàn toàn “chia tay” với phương Tây. Một số chip nội địa mà Huawei đang sử dụng có giá cao gấp vài lần so với loại tương tự do nước ngoài sản xuất, đồng thời nguồn cung nội địa vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, việc Huawei có thể chống cự trước các lệnh trừng phạt trong thời gian ngắn như vậy thực sự là điều khiến nhiều người ngạc nhiên. Là một công ty tư nhân nhưng có những mục tiêu trùng khớp với Chính phủ, Huawei đang trở thành mô hình rất đáng để các công ty Trung Quốc học tập trên khía cạnh đổi mới sáng tạo.

Trùng thời thời điểm Mỹ đưa ra lệnh giới hạn xuất khẩu lần đầu tiên, Huawei đã thành lập đơn vị đầu tư có tên Hubble và đến nay đã triển khai ít nhất 107 khoản đầu tư. Chiến lược của Hubble là mua một lượng nhỏ cổ phần tại hàng chục nhà cung ứng đang phát triển những công nghệ sẽ giúp Huawei giảm phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài. Những khoản đầu tư này đương nhiên không thể giúp Huawei có được những công nghệ tiên tiến nhất, nhưng rủi ro bên ngoài sẽ giảm đi rất nhiều.

Lệnh cấm vận của Mỹ buộc Huawei phải đa dạng hóa sang cả các thị trường như châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh.

Tất cả những gì Huawei đang làm đều phù hợp với định hướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hiện Chính phủ nước này đang là khách hàng lớn nhất của tập đoàn và cũng hỗ trợ Huawei theo nhiều cách. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Huawei và Chính phủ thường bị hiểu nhầm. Không phải đơn thuần là tuân theo đường hướng chỉ đạo, tự cung tự cấp đã trở thành cách duy nhất để Huawei và nhiều công ty Trung Quốc có thể bám vào để tồn tại. Các quyết định của họ hoàn toàn tuân theo cơ chế thị trường.

Trung Quốc vẫn tụt hậu so với phương Tây về chip. Các lệnh cấm vận đã khiến hàng nghìn doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó đúng như dự định của Mỹ. Nhưng nếu như Mỹ lo ngại, thậm chí có phần e sợ về sức mạnh của Huawei khi cố gắng tấn công tập đoàn này, ở thời điểm hiện tại, mối lo ngại ấy đã lớn hơn nhiều lần.

>> Huawei vừa làm được điều mà cả Samsung lẫn Microsoft đều thất bại, khiến cả Apple và Google phải lo sợ

Huawei phá vỡ 'ngôi vương' của Samsung ở một phân khúc 'nòng cốt', doanh số tăng kỷ lục 257%

Cựu nhân viên SK Hynix bị bắt vì 'đánh cắp' công nghệ bán dẫn quan trọng cho Huawei

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vi-sao-my-truy-sat-suot-12-nam-nhung-khong-tieu-diet-noi-huawei-239149.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vì sao Mỹ 'truy sát' suốt 12 năm nhưng không 'tiêu diệt' nổi Huawei?
    POWERED BY ONECMS & INTECH