Vì sao ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu hút vốn?
Ngay từ đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã rốt ráo đẩy mạnh phát hành trái phiếu huy động vốn để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao.
Ngân hàng dẫn đầu phát hành trái phiếu
Năm 2024, ngành ngân hàng tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị phát hành hơn 318.400 tỷ đồng, chiếm 67%.
Để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao là 16%. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao thì nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng trong năm 2025 sẽ tiếp tục tăng lên.
Ngay từ đầu năm 2025, nhiều nhà băng đã ráo riết đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng để huy động vốn, trong khi doanh nghiệp bất động sản đối mặt với áp lực đáo hạn.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tính đến ngày 24/1 vừa qua, có 4 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng được ghi nhận với tổng giá trị đạt 5.554 tỷ đồng. Toàn bộ khối lượng phát hành này thuộc về lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán (trong đó chứng khoán chỉ có 300 tỷ đồng).
Trong tháng đầu năm nay, VietinBank phát hành lớn nhất với khối lượng lên tới 4.000 tỷ đồng. BVBank cũng phát hành một lô trái phiếu với giá trị hơn 1.254 tỷ đồng với kỳ hạn 6 năm.
![]() |
VietinBank phát hành lớn nhất với khối lượng lên tới 4.000 tỷ đồng ngay từ đầu năm 2025. |
Mới đây, Hội đồng quản trị HDBank đã thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng trong quý I và quý II/2025 với tổng giá trị tối đa 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7-8 năm và lãi suất thả nổi.
MB thông báo phát hành trái phiếu đợt 3 đến ngày 5/3, kỳ hạn 6 năm, sau khi phát hành 21 lô trái phiếu trong năm 2024 với tổng giá trị 22.551 tỷ đồng.
Vì sao tích cực phát hành trái phiếu?
Chuyên gia phân tích VNDirect cho rằng, năm 2025 nhóm ngân hàng sẽ vẫn tích cực phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để gia tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn qua đó giúp hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phục hồi trong năm 2025.
Theo VIS Rating dự báo, ngành ngân hàng sẽ phát hành hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong ba năm tới. Trong đó, khoảng 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh.
Ngoài ra, trái phiếu phát hành với nhiều kỳ hạn khác nhau, giúp ngân hàng quản lý dòng tiền và rủi ro lãi suất hiệu quả hơn. Kênh này giúp đa dạng hóa nguồn vốn, tránh phụ thuộc vào huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế.
Theo các nhà đầu tư tài chính, trên thị trường vốn hiện nay, trái phiếu ngân hàng có độ tin cậy cao, chỉ sau trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt, trái phiếu ngân hàng có tính linh hoạt rất cao, trái chủ có thể cầm cố vay lại vốn ngân hàng hoặc bán lại cho chính ngân hàng phát hành trái phiếu.
Hơn nữa, các mức lãi suất của trái phiếu ngân hàng cũng cạnh tranh hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm hiện tại nên thu hút nhiều người chuyển tiền nhàn rỗi từ gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu để được hưởng lãi suất cao hơn. Mức độ hấp thụ vốn trái phiếu ngân hàng cải thiện sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại.
Các chuyên gia tài chính kỳ vọng, vốn trái phiếu ngân hàng phát hành sẽ gia tăng vào nhóm nhà đầu tư cá nhân, đảm bảo lợi ích cho đôi bên: ngân hàng có vốn trung dài hạn củng cố các nền tảng tài chính, nhà đầu tư có lợi suất cao.