Thế giới

Viễn cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Á nếu bà Kamala Harris đắc cử Tổng thống

Vũ Bấc 03/08/2024 - 17:33

Liệu bà Kamala Harris có thể tận dụng được lợi thế từ di sản đa dạng của mình để tạo nên bước đột phá trong chính trường Mỹ, nhất là trong các vấn đề đối ngoại với châu Á?

Mới đây, sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố không tái tranh cử và đề cử Phó Tổng thống - bà Kamala Harris - làm người tiếp tục đường đua dang dở, nữ chính trị gia gốc Á đã chính thức trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định bà Harris còn thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, dù đã đại diện Hoa Kỳ tham dự một số hội nghị khu vực ở châu Á. Bà được kỳ vọng sẽ duy trì sự nhất quán với chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden.

Khi Phó Tổng thống Kamala Harris đang hướng tới việc trở thành nữ tổng thống người Mỹ gốc Á và da đen đầu tiên, bà có thể sẽ phải nỗ lực hơn nữa để thể hiện quan điểm và chính sách đối với châu Á.

Viễn cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Á nếu bà Kamala Harris đắc cử Tổng thống - ảnh 1
Phó Tổng thống Kamala Harris có thể trở thành tổng thống người Mỹ gốc Á đầu tiên, sau khi vượt qua ông Donald Trump ở cuộc thăm dò cử tri mới nhất

Trong vai trò Phó Tổng thống, bà Harris ban đầu tập trung vào vấn đề nhập cư tại biên giới Mỹ-Mexico. Sau đó, bà được giao nhiệm vụ đối ngoại tại châu Á, bao gồm gặp gỡ lãnh đạo các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Bà Harris đã có 4 chuyến thăm châu Á, trong đó có 3 lần đến Đông Nam Á. Bà cũng đã phát biểu tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương và nhiều diễn đàn khác về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng các chuyến thăm này chưa để lại ấn tượng mạnh mẽ.

Về quan hệ với Trung Quốc, bà Harris ủng hộ lập trường cứng rắn của Washington. Mặc dù từng phản đối chính sách thuế quan của cựu Tổng thống Trump, chính quyền Biden-Harris vẫn duy trì các biện pháp kinh tế đơn phương đối với Trung Quốc.

Bà Harris đã có cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị APEC 2022 tại Thái Lan. Trong chuyến thăm Philippines năm 2022, bà chỉ trích mạnh mẽ hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, gọi đó là hành vi "bắt nạt".

Đáng chú ý, bà Harris cũng đã có cuộc gặp với ông Lai Ching-te, người hiện đang là người đứng đầu đảo Đài Loan, tại lễ nhậm chức của Tổng thống Honduras năm 2022.

Ông Dhruva Jaishankar, Giám đốc điều hành Quỹ Nghiên cứu Observer Research Foundation America nhận xét: "Các nhà lãnh đạo châu Á có thể dễ dàng nhận thấy bà Harris thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại. Bà ấy chưa đưa ra quan điểm mạnh mẽ về châu Á".

Viễn cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Á nếu bà Kamala Harris đắc cử Tổng thống - ảnh 2
Bà Kamala Harris, 59 tuổi, là con gái của một nhà nghiên cứu ung thư người Ấn Độ và một nhà kinh tế học người Jamaica

Trước đó, trong vai trò thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, bà Harris đã thẳng thắn lên tiếng về các vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, dẫn đến phản ứng gay gắt từ Trung Quốc. Bà đã ủng hộ phong trào dân chủ ở Hồng Kông năm 2019 và đồng tài trợ Đạo luật Chính sách Nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ năm 2020, tạo cơ sở cho các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân và tổ chức liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Xuất thân của vị Phó Tổng thống được cho là ảnh hưởng nhiều đến quan điểm trên chính trường. Sinh ra tại California, bà Harris là con của hai nhà khoa học nhập cư - cha gốc Jamaica và mẹ gốc Ấn Độ. Bà lớn lên trong môi trường đa văn hóa, vừa gắn bó với di sản Ấn Độ từ mẹ vừa tiếp nhận văn hóa người Mỹ gốc Phi.

Sự nghiệp của bà Harris đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng của chính trường Mỹ. Bà là nữ tổng chưởng lý da màu đầu tiên của California và là phó tổng thống người Mỹ gốc Á, gốc Phi đầu tiên của Hoa Kỳ.

Mặc dù vậy, một số nhà quan sát cho rằng bà Harris chưa tận dụng hết lợi thế từ xuất thân đa văn hóa của mình để kết nối với cộng đồng cử tri gốc Á tại Mỹ - nhóm cử tri đang tăng trưởng nhanh nhất theo thống kê mới nhất.

Bà Harris đã lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề phân biệt chủng tộc, bạo lực súng đạn và thù ghét người châu Á. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh không muốn bị giới hạn bởi danh tính của mình, mà chỉ đơn giản tự nhận là "người Mỹ tự hào".

Giáo sư Pawan Dhingra từ Đại học Amherst nhận định: "Bà ấy có trách nhiệm phải nêu rõ hơn về bản sắc và xuất thân Ấn Độ và Mỹ gốc Á của mình. Điều đó có thể giúp bà gây được tiếng vang với nhiều cử tri hơn".

Trong chiến dịch vận động gần đây tại Philadelphia, mặc dù nhắm đến cử tri gốc Á, bà Harris dường như chưa thực sự truyền cảm hứng được cho cộng đồng này. Điều này cho thấy bà có thể cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc khai thác bản sắc đa văn hóa của mình để thu hút cử tri trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp diễn ra vào tháng 11.

Theo Nikkei Asia

>> Ông Trump mất 900 triệu USD kể từ khi bà Harris tranh cử vào Nhà Trắng

Amazon 'thất thu' vì Thế vận hội và ông Trump

Ông Trump nói 'sự tồn vong của Israel sẽ bị đe dọa' nếu ông thất cử

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/vien-canh-chinh-sach-doi-ngoai-cua-my-voi-chau-a-neu-ba-kamala-harris-dac-cu-tong-thong-124931.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Viễn cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Á nếu bà Kamala Harris đắc cử Tổng thống
    POWERED BY ONECMS & INTECH