Việt Nam bán gần 1 triệu tấn gạo, Thổ Nhĩ Kỳ chi tiền gấp 186 lần mua gạo Việt
Chỉ trong tháng 8 nước ta đã xuất bán trên 900 nghìn tấn gạo, thu về hơn 546 triệu USD. Trong đó, một quốc gia đã chi ra số tiền gấp 186 lần để mua gạo Việt Nam.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 8 vừa qua, nước ta đã xuất bán 921 nghìn tấn gạo, kim ngạch đạt 546,4 triệu USD, tăng mạnh 39,5% về lượng và tăng 50,7% về giá trị so với tháng 7/2023.
Trong tháng 8/2033, trừ thị trường Bờ Biển Ngà ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái, còn lại các thị trường khác đều tăng mạnh nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Cụ thể, chỉ trong tháng 8, xuất khẩu sang Philippines đạt gần 410 nghìn tấn gạo, thu về 244 triệu USD, tăng 76,5% về giá trị so với tháng 8 năm ngoái. Đây cũng là quốc gia mua gạo của Việt Nam nhiều nhất trong tháng 8 vừa qua.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng tăng 45,6%, sang Malaysia tăng 50,6%, sang Ghana tăng 63,8%...
Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 61,2 triệu USD, tăng tới 1.409% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng chi lượng tiền nhiều gấp 186 lần, tương đương 18,6 triệu USD so với 100.000 USD cùng kỳ năm ngoái để mua gạo Việt trong tháng 8/2023.
Luỹ kế 8 tháng năm 2023, nước ta xuất khẩu hơn 5,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng nhưng tăng tới 35,7 về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái do giá gạo xuất khẩu tăng mạnh.
Về thị trường, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt, đạt gần 1,23 tỷ USD, tăng 16%, chiếm 38,9% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của nước ta.
Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 452 triệu USD, tăng 67,9% so với cùng kỳ năm 2023; sang Indonesia đạt 361,2 triệu USD, tăng 1.505%; sang Ghana đạt 254 triệu USD, tăng 64,9%; sang Malaysia tăng 2,4%...
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, sau 3 phiên giảm liên tiếp, trong ngày 11/9, giá gạo xuất khẩu 5% và 25% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 623 USD/tấn và 608 USD/tấn.
So với mức đỉnh 643 USD/tấn với gạo 5% tấm và gạo 25% tấm là 628 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã giảm 20 USD/tấn. Tuy nhiên, giá gạo Việt vẫn đang cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan.
Tại thị trường trong nước, tuần đầu tiên của tháng 9 (31/8-7/9), giá lúa gạo giảm khá mạnh so với tuần cuối tháng 8. Trong đó, mức giảm nhẹ nhất là 83 đồng/kg với lúa thường tại kho, các loại gạo có mức giảm từ 350-567 đồng/kg, tuỳ loại.
Cụ thể, bình quân giá lúa tại ruộng giảm còn 7.868 đồng/kg, lúa thường tại kho có giá 9.158 đồng/kg; gạo lứt loại 1 giá 12.217 đồng/kg, gạo xát trắng loại 1 còn 14.400 đồng/kg, gạo 5% tấm 14.014 đồng/kg, gạo 15% tấm 13.767 đồng/kg, gạo 25% tấm về mức 13.467 đồng/kg.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp lúa gạo, cả giá xuất khẩu và giá tại thị trường nội địa quay đầu giảm mạnh trong những phiên gần đây do tác động từ thị trường Philippines, khi quốc gia này áp mức giá trần tại thị trường nội địa thấp hơn nhiều so với giá gạo thế giới.
Điều này đồng nghĩa, các quốc gia khó có thể xuất bán vào Philippines do chênh lệch giá, kéo theo giá gạo trên thị trường thế giới hạ nhiệt.
Giá gạo Việt đắt nhất thế giới, doanh nghiệp vẫn chi 1,24 tỷ USD nhập khẩu
Vừa lập kỷ lục, ‘hạt ngọc Việt’ lại nhận tin xấu, nguy cơ hụt thu 700 triệu USD