Việt Nam cam kết ủng hộ các sáng kiến cải cách nâng cao hiệu quả hoạt động của WTO
Tại Hội nghị Bộ trưởng của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) lần thứ 13 diễn ra tại UAE, Việt Nam cam kết ủng hộ nỗ lực và các sáng kiến cải cách WTO để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức.
Tin từ Văn phòng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn công tác của Việt Nam đã tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) được tổ chức tại Abu Dhabi, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Hội nghị MC13 được diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu 2023 vẫn trong tiến trình phục hồi để trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19 và đồng thời vẫn đang chịu ảnh hưởng của tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp.
Do vậy, tại Hội nghị MC13, các thành viên WTO đã thảo luận về việc triển khai các kết quả đã được thống nhất tại Hội nghị MC12, bao gồm: việc tiếp tục đàm phán giai đoạn 2 của Hiệp định Trợ cấp thủy sản và thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định Trợ cấp thủy sản giai đoạn 1; xác định các định hướng lớn trong cải cách WTO, trong đó có cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp; mở rộng miễn trừ nghĩa vụ theo Hiệp định TRIPS cho các sản phẩm chẩn đoán và điều trị COVID-19; xem xét tiếp tục gia hạn cam kết không áp thuế hải quan đối với truyền dẫn điện tử trong thương mại điện tử; thúc đẩy việc đàm phán các nội dung cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các thành viên WTO cũng sẽ thảo luận về các chủ đề mới như thương mại mang tính bảo trùm để đảm bảo các nền kinh tế và các bộ phận dân cư khác nhau đều được hưởng lợi từ thương mại quốc tế, thương mại và chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp… Hội nghị MC13 cũng chính thức kết nạp hai Thành viên WTO mới là Comoros và Đông Timor.
Việt Nam cam kết ủng hộ nỗ lực và các sáng kiến cải cách WTO
Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị MC13, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao vai trò của WTO trong việc dẫn dắt, thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại một cách hiệu quả.
Để WTO nói chung và Hội nghị MC13 nói riêng góp phần tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tạo thêm nhiều cơ hội thực chất cho doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng đề nghị các thành viên WTO tập trung vào các nội dung thảo luận và đàm phán đã có nhiều tiến bộ để thu hẹp khoảng cách và tiến tới đạt sự đồng thuận giữa các thành viên (trong đó việc cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO có vai trò rất quan trọng); cũng như tìm giải pháp phù hợp cho vấn đề phát triển, giải quyết căn bản sự khác biệt về quan điểm giữa các thành viên trong vấn đề đối xử đặc biệt và khác biệt trong bối cảnh hiện nay để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả thành viên, phù hợp với trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
Bộ trưởng cũng khẳng định Việt Nam đã và đang triển khai đầy đủ các kết quả đã đạt được tại MC12. Cũng như nhiều thành viên có trách nhiệm khác, Việt Nam cam kết ủng hộ nỗ lực và các sáng kiến cải cách WTO để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này.
Tại phiên thảo luận cấp Bộ trưởng về thương mại và phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao nỗ lực của WTO trong việc khởi xướng thảo luận về những sáng kiến, cách thức hiệu quả để đạt được sự cân bằng và gắn kết giữa thúc đẩy kinh tế, thương mại với phát triển bền vững; đồng thời nhấn mạnh WTO trong thời gian tới cần thể hiện rõ nét hơn vai trò của mình để bảo đảm các chính sách, quy định của mỗi nước được ban hành phải phù hợp với các nguyên tắc cơ bản, quy định hiện hành của WTO, không tạo ra sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng trong thương mại quốc tế.
Đối với vấn đề về thương mại và phát triển công nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị WTO và các Thành viên cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về phạm vi, tác động của những chính sách hỗ trợ công nghiệp dự kiến đưa vào diện điều chỉnh hoặc thay đổi đối với nhu cầu, mục tiêu phát triển của các nước đang và kém phát triển; cũng như tiến hành đánh giá về tính tương thích của các chính sách này với các quy định, nguyên tắc hiện hành của WTO để từ đó xác định và thống nhất được nguyên tắc điều chỉnh, định hướng để những chính sách đó vừa góp phần vào công cuộc thúc đẩy công nghiệp của mỗi nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, vừa không tạo ra những tác động ngược chiều và cạnh tranh bất bình đẳng, bóp méo thương mại đa phương.
Thúc đẩy tự do hóa thương mại nông sản
Tại phiên họp cấp Bộ trưởng của các Thành viên Nhóm Cairns (nhóm các nước xuất khẩu nông sản), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam luôn hoan nghênh các sáng kiến mới cũng như những nỗ lực nhằm thúc đẩy đàm phán nông nghiệp vì lợi ích chung, trên cơ sở phù hợp với trình độ phát triển và khả năng thực thi của các nền kinh tế.
Đồng thời, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Thành viên khác của Nhóm Cairns để đạt được những kết quả cụ thể, góp phần vào việc thúc đẩy tự do hóa thương mại nông sản trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, công bằng và minh bạch.
Ngoài việc thống nhất để có quan điểm chung đối với các nội dung đang thảo luận trong WTO, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng các nước đã thống nhất các chương trình hợp tác mang tính thiết thực cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nước.
Với Trung Quốc, hai bên khẳng định quan hệ tốt đẹp về kinh tế - thương mại đã được thể hiện trong việc duy trì đường biên mở, thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai bên, đặc biệt là đối với hàng nông sản và thủy sản. Nhờ vậy, kim ngạch thương mại giữa hai bên đã có những bước cải thiện tích cực trong bối cảnh chung thương mại toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn. Với các nước khác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thống nhất cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn, đặc biệt là thông qua các cơ chế Uỷ ban hỗn hợp đã có với trọng tâm tập trung vào lĩnh vực phát triển năng lượng, công nghiệp, xúc tiến thương mại và thương mại hàng nông nghiệp.
Ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Sau 17 năm gia nhập WTO, quy mô thương mại của Việt Nam đã có bước tiến dài, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 730 tỷ USD vào cuối năm 2022. Năm 2023, trước tác động của suy giảm kinh tế và thương mại toàn cầu, xuất nhập khẩu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng song vẫn cán đích trên 680 tỷ USD, là một điểm sáng của tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Việt Nam được đánh giá là một trong 30 nước gia nhập WTO thành công. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ từ một nước nhập siêu, nhưng xuất siêu 8 năm liên tiếp, với mức thặng dư đạt 26 tỷ USD cuối năm 2023.
Thủ tướng gặp Tổng Giám đốc WTO, đề xuất lộ trình thực hiện các tiêu chuẩn về biến đổi khí hậu
Thủ tướng gặp Tổng Giám đốc WTO, đề xuất lộ trình thực hiện các tiêu chuẩn về biến đổi khí hậu
Đàm phán các quy tắc thương mại điện tử tại WTO đạt tiến triển mạnh mẽ