Việt Nam chính thức có thêm công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận, án ngữ ở miền đất địa đầu của Tổ quốc
Việt Nam chính thức góp mặt trong TOP 50 quốc gia sở hữu 229 công viên thuộc Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu sau khi Công viên địa chất Lạng Sơn được UNESCO vinh danh.
Nằm ẩn mình giữa những dãy núi đá vôi kỳ vĩ nơi địa đầu Tổ quốc, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên, mà còn là kho tàng địa chất – văn hóa đặc sắc, mang ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trên bản đồ di sản thế giới.
Một "cuốn sử thi" bằng đá của Trái đất
Với dấu tích kéo dài hàng trăm triệu năm, công viên địa chất Lạng Sơn được ví như bản hùng ca của thiên nhiên, ghi lại hành trình kiến tạo không ngừng của hành tinh. Những lớp đá cổ tại đây chính là chứng nhân của đáy biển cổ đại – nơi từng là mái nhà chung của các loài sinh vật nguyên thủy như bọ ba thùy hay bút đá, những cư dân đầu tiên sống theo bầy đàn.

Theo thời gian, khi biển rút đi, các lớp đá phiến, sa thạch và đá vôi lộ ra, tạo nên một cảnh quan độc nhất với đặc trưng địa hình núi lửa, mang đậm dấu ấn cổ sinh học.
Một trong những điểm nổi bật là Trũng Na Dương – "kho tư liệu sống" về hệ sinh thái nhiệt đới từ 20–40 triệu năm trước. Khu vực này không chỉ sở hữu hệ hóa thạch thực vật và động vật phong phú, mà còn cung cấp các bằng chứng khoa học quý giá về sự di cư và tiến hóa của động vật có vú giữa các lục địa Á – Âu.
Bên cạnh đó, khối núi đá vôi Bắc Sơn – hình thành từ trầm tích biển cổ – còn lưu giữ nhiều hiện vật khảo cổ học như công cụ đá, đồ gốm, mộ táng… hé lộ nếp sống của người tiền sử, góp phần dựng nên bức tranh tiến hóa sớm của loài người tại Việt Nam.
Địa hình độc đáo cũng giúp hình thành hệ thổ nhưỡng giàu khoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nông nghiệp. Những sản vật nổi tiếng như na Chi Lăng, hồi Văn Quan không chỉ là sản phẩm đặc trưng của địa phương mà còn là sinh kế gắn bó bền chặt với người dân nơi đây.
Kho báu văn hóa của các dân tộc vùng biên
Không dừng lại ở giá trị địa chất, công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn còn là nơi quy tụ nền văn hóa đa dạng của các dân tộc Kinh, Nùng, Tày, Dao… – những cộng đồng đã sinh sống, gìn giữ bản sắc riêng biệt qua bao thế hệ.
Các giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật tại đây như tín ngưỡng Đạo Mẫu – với nghi thức hầu đồng đầy sắc màu, âm nhạc nghi lễ và lối kể chuyện dân gian – là trung tâm đời sống tâm linh của người dân, tôn vinh thần linh gắn liền với đất, nước, núi rừng.

Không thể không nhắc tới hát Then và đàn tính – di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh – vốn được ví như "ngôn ngữ của thần tiên", vừa trầm mặc, vừa linh thiêng. Những làn điệu Then hòa quyện trong tiếng tính tẩu không chỉ là biểu hiện của nghệ thuật, mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng với cội nguồn.
Các lễ hội truyền thống, trang phục thổ cẩm, nghệ thuật múa rối nước dân gian, cùng đời sống sản xuất mang đậm yếu tố bản địa đã khiến Lạng Sơn trở thành một điểm đến văn hóa độc đáo – nơi quá khứ và hiện tại hòa quyện, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Việc công nhận Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO không chỉ là sự khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của vùng đất này, mà còn là niềm tự hào quốc gia, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới sở hữu nhiều công viên địa chất đạt chuẩn quốc tế.
Đây không chỉ là cơ hội thúc đẩy du lịch bền vững, giáo dục cộng đồng và bảo tồn di sản, mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế – văn hóa mới cho khu vực biên giới phía Bắc. Một minh chứng cho việc thiên nhiên, con người và lịch sử hoàn toàn có thể hòa hợp trong chiến lược phát triển lâu dài, có trách nhiệm.
Lạng Sơn được xem là miền đất địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc, là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời.
Nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại gắn với những chiến công hiển hách của các thế hệ cha anh trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Giá chung cư cũ Hà Nội rẻ hơn 50% so với căn hộ mới, Đông Anh tăng mạnh nhất quý I/2025
Tỉnh có diện tích vùng biển gấp 3 lần đất liền sắp tinh gọn đơn vị hành chính, dự kiến còn 69 xã