Việt Nam có mức sinh thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á
Mức sinh của Việt Nam hiện chỉ đạt 1,91 con/phụ nữ, thuộc top 5 nước có mức sinh thấp nhất khu vực Đông Nam Á.
Thông tin trên được cơ quan thống kê nêu hôm 21/2/2025. Cụ thể, so với mức trung bình khu vực là 2 con/phụ nữ, Việt Nam chỉ cao hơn Brunei (1,8 con/phụ nữ), Malaysia (1,6 con/phụ nữ), Thái Lan và Singapore (1,0 con/phụ nữ).
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024 diễn ra ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, công tác dân số còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc nỗ lực tăng mức sinh.
Cụ thể, mức sinh trên toàn quốc giảm từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), 1,96 con/phụ nữ (2023), và năm 2024 ước tính là 1,91 con/phụ nữ. Bà Hương cho biết: “Đây là mức thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo”.
>>Bộ Y tế đề xuất không xử lý kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ 3
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: VGP |
Ngoài ra, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số nhấn mạnh mối quan hệ giữa trình độ học vấn, hoàn cảnh kinh tế và mức sinh.
Theo thống kê năm 2023, người nghèo có mức sinh trung bình 2,4 con, người có mức sống khá hoặc trung bình là 2,03-2,07 con và người giàu là 2 con. Bên cạnh đó, phụ nữ có trình độ học vấn dưới tiểu học trung bình là 2,35 con, trong khi đó, phụ nữ có trình độ từ THPT trở lên trung bình chỉ 1,98 con.
Ngoài ra, phụ nữ thành thị có xu hướng sinh con muộn và ít hơn phụ nữ ở nông thôn. Cụ thể, tỷ suất sinh cao nhất ở thành thị là nhóm 25-29 tuổi với 127 trẻ/1.000 phụ nữ nhưng tại nông thôn là nhóm 20-24 tuổi với 147 trẻ/1.000 phụ nữ.
Theo Cục Dân số, năm 2025, chỉ tiêu kế hoạch về tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) là 74,6 tuổi; tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh 111 bé trai/100 bé gái; tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ. Mục tiêu năm 2025, Việt Nam phấn đấu giảm tỷ số giới tính khi sinh 0,2 điểm phần trăm so với năm 2024.
Để công tác dân số năm 2025 đạt hiệu quả, Cục Dân số đề nghị Chi cục Dân số các tỉnh, thành phố thực hiện mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tập trung chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu,...