Vĩ mô

Việt Nam có thể tiết kiệm 6,4 tỷ USD nếu cắt giảm ô nhiễm không khí từ giao thông

Mẫn Nhi 14/07/2025 12:21

Việt Nam có thể tiết kiệm 6,4 tỷ USD vào năm 2050 nếu đẩy mạnh chuyển đổi sang xe điện và giảm ô nhiễm không khí từ giao thông đường bộ.

Ô nhiễm không khí đang trở thành thách thức môi trường nghiêm trọng tại các đô thị lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, hai thành phố thường xuyên lọt top ô nhiễm nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện không chỉ là xu hướng toàn cầu, mà còn là lời giải kinh tế dài hạn cho Việt Nam.

Trong báo cáo “Việt Nam: Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện”, World Bank nêu rõ, chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện sẽ mang lại nhiều lợi ích trên toàn nền kinh tế. Việc chuyển đổi này sẽ giúp giảm bớt sự lệ thuộc của Việt Nam vào nhập khẩu dầu, tiết kiệm cho nền kinh tế tới 498 tỷ USD, trong giai đoạn 2024-2050. Chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện sẽ tạo ra đến 6,5 triệu việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam tính đến năm 2050, cũng như tạo nhiều công ăn việc làm trong lĩnh vực bảo trì và sửa chữa EV. Hơn nữa, Chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện có thể giúp Việt Nam giảm chi phí thiệt hại về môi trường do ô nhiễm không khí cục bộ với mức giảm là 30 triệu USD vào năm 2030 và 6,4 tỷ USD vào năm 2050.

Theo nghiên cứu của WB công bố năm 2022 (Clean Air for Hanoi: What Will It Take?), các phương tiện giao thông đóng góp tới 25% lượng bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội, một loại chất ô nhiễm nguy hiểm, có khả năng thâm nhập sâu vào phổi và gây ra nhiều bệnh về hô hấp và tim mạch.

Một báo cáo khác của WB công bố ngày 22/11/2023 củng cố tính cấp bách của việc chuyển đổi. Trong ngành giao thông vận tải, đường bộ đang chiếm khoảng 85% lượng phát thải khí nhà kính. Đáng chú ý, xe tải các loại – dù chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng – lại đóng góp tới 56% tổng phát thải của ngành này. Xe buýt và xe khách liên tỉnh chiếm 11%, xe hai bánh chiếm 28%, còn ô tô con chiếm 6%. Nguyên nhân được chỉ ra là các phương tiện tải trọng lớn thường có tuổi đời cao, tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn và công nghệ động cơ lạc hậu.

Việt Nam có thể tiết kiệm 6,4 tỷ USD nếu cắt giảm ô nhiễm không khí từ giao thông
Việt Nam có thể tiết kiệm 6,4 tỷ USD nếu cắt giảm ô nhiễm không khí từ giao thông (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, bài toán không hề đơn giản khi cả nước hiện có khoảng 80,6 triệu phương tiện giao thông (theo số xe đã đăng ký tính đến cuối năm 2023), trong đó phần lớn là xe máy (74,3 triệu chiếc) và ô tô (6,3 triệu chiếc), đa số sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Mỗi phương tiện như một "trạm phát thải di động", ngày đêm góp phần làm tăng ô nhiễm không khí.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Việt Nam đã cam kết tại COP26, việc điện hóa giao thông không thể chỉ dừng ở kế hoạch. Mới nhất, hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP. HCM đã lần lượt công bố kế hoạch hạn chế phương tiện giao thông phát thải cao, đặc biệt là ô tô, xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Động thái này không chỉ phản ánh nỗ lực cải thiện chất lượng không khí vốn đang ở mức báo động, mà còn mở đường cho một chiến lược kinh tế – môi trường dài hạn: loại bỏ xe xăng, phủ sóng xe điện trên toàn quốc.

>> Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cấm xe máy chạy bằng xăng trong Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026

Cấm xe xăng: Hà Nội sẽ có chương trình hỗ trợ người dân đổi sang xe điện

Nối gót Hà Nội, TP. HCM gấp rút triển khai lộ trình loại xe xăng, phủ xe điện

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-co-the-tiet-kiem-64-ty-usd-neu-cat-giam-o-nhiem-khong-khi-tu-giao-thong-296328.html
Bài liên quan
  • Khoảng 7 triệu xe xăng ở Hà Nội đứng trước nguy cơ bị cấm lưu thông từ 2026
    Chỉ thị mới của Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cấm xe xăng trong vành đai nội đô từ năm 2026, ảnh hưởng trực tiếp đến gần 7 triệu phương tiện cá nhân đang lưu thông hàng ngày tại thủ đô.
  • TP HCM sắp chuyển 400.000 xe xăng sang xe điện, tài xế Grab, Be... được hỗ trợ gì?
    Nhằm đạt được mục tiêu chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện, TP. HCM đề xuất cơ chế hỗ trợ về tài chính, miễn thuế VAT và miễn lệ phí trước bạ cho tài xế công nghệ.
  • Chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện: TP.HCM sẽ làm gì?
    Phát biểu tại buổi họp về kinh tế - xã hội thành phố diễn ra vào ngày 22/5, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho biết, thành phố dự kiến chuyển đổi khoảng 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện cho lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam có thể tiết kiệm 6,4 tỷ USD nếu cắt giảm ô nhiễm không khí từ giao thông
    POWERED BY ONECMS & INTECH