Chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện: TP.HCM sẽ làm gì?
Phát biểu tại buổi họp về kinh tế - xã hội thành phố diễn ra vào ngày 22/5, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho biết, thành phố dự kiến chuyển đổi khoảng 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện cho lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng.
Việc chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện thuộc chương trình “Chuyển đổi xanh – Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng” do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp với một số đơn vị triển khai với kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ giao thông xanh, giảm phát thải cho thành phố.
Ông Hải cho biết, các tài xế công nghệ và giao hàng sử dụng xe máy xăng là một trong những đối tượng gây phát thải lớn tại thành phố vì tần suất hoạt động cao. Việc chuyển đổi này góp phần phát triển giao thông xanh, giảm phát thải trên địa bàn thành phố.
Để hỗ trợ cho việc chuyển đổi, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã làm việc với một số đơn vị nhằm thiết kế sản phẩm cho vay phù hợp với khả năng tài chính của các tài xế, các đơn vị sản xuất, kinh doanh xe điện để có các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng với chương trình này.
Bên cạnh đó, ông Hải chia sẻ thêm, Viện sẽ kiến nghị một số ưu đãi khác như miễn thuế trước bạ và thuế VAT trong 2 năm cho các tài xế chạy xe máy điện, từ đó khuyến khích các tài xế công nghệ, giao hàng chuyển đổi sang sử dụng xe điện.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: NGỌC DƯƠNG/Báo Thanh Niên |
Cụ thể, chia sẻ với báo VnExpress, ông Hải cho biết, Viện đã phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô CEP và một số ngân hàng thiết kế các gói vay mua xe điện thời hạn 24-30 tháng, với mức trả góp tương đương khoản tiết kiệm từ tiền xăng.
Trong khi đó, Viện đã khảo sát hơn 400 tài xế, mỗi ngày họ đi khoảng 80-120 km, chi phí nhiên liệu cho xe xăng khoảng 70.000-100.000 đồng, trong khi xe điện chỉ tiêu tốn khoảng 20.000 đồng. Trung bình mỗi tháng tài xế có thể tiết kiệm từ 1-2 triệu đồng nếu chuyển sang sử dụng xe điện.
Cùng với đó, TP.HCM sẽ vận dụng Nghị quyết 198 để hỗ trợ ít nhất 2% lãi suất cho khoản vay mua xe điện.
Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Trung ương miễn thuế VAT, lệ phí trước bạ, cấp giấy chứng nhận và biển số cho người mua xe điện lần đầu, tổng khoảng 3 triệu đồng/xe.
Đối với xe xăng đã quá niên hạn, không đạt tiêu chuẩn khí thải hoặc chi phí sửa chữa cao, TP.HCM sẽ có chính sách thu mua để loại bỏ khỏi lưu thông. Cùng với đó, các doanh nghiệp tham gia tái chế sẽ được hỗ trợ vay vốn.
Hơn nữa, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối xe điện sẽ được thành phố hỗ trợ giảm lãi suất vay ít nhất 2% nhưng họ phải giảm giá bán xe.
Thành phố dự kiến xây dựng các trạm sạc điện, điểm dừng nghỉ và cung cấp pin sạc dự phòng cho tài xế, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng này cũng sẽ được hỗ trợ lãi suất vay vốn.
TP.HCM dự kiến sẽ chuyển đổi 80% xe máy công nghệ xăng sang xe máy điện trong 2 năm, bắt đầu từ tháng 1/2026 và trong 3-5 năm tiếp theo sẽ đạt 100%.
Trước đó, tại một buổi làm việc với doanh nghiệp về các đề án chuyển đổi xanh, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP.HCM với các chương trình, đề án chuyển đổi xanh.
Ông Được cho biết sắp tới TP.HCM sẽ hình thành Ban chỉ đạo về chuyển đổi xanh. Tuy nhiên trước mắt sẽ thành lập Tổ tư vấn chuyển đổi xanh, Tổ công tác này sẽ định kỳ làm việc hàng tháng và đột xuất nếu có yêu cầu phát sinh.
TP.HCM: Hơn 1,1 triệu tỷ đồng chảy vào tín dụng bất động sản
Từ 1/6, việc đóng tiền rác ở các hộ gia đình tại TP.HCM có thay đổi lớn