Việt Nam khởi động 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, khai thác 2 triệu tấn mỗi năm: Chuyên gia đề xuất làm chủ công nghệ chế biến sâu tài nguyên
"Kho báu" này có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao.
Đất hiếm được mệnh danh là "kho báu", "vũ khí chiến lược" mà nhiều quốc gia muốn sở hữu.
Đây là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.
Đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể thiết đất hiếm. Loại khoáng sản này cũng là chất không thể thiếu trong xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tua bin gió…
Ngoài ra, các nguyên tố đất hiếm cũng được sử dụng nhiều trong các sản phẩm quốc phòng, chẳng hạn, mỗi chiếc tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Virginia của Mỹ cần sử dụng 4,1 tấn kim loại đất hiếm; tàu khu trục lớp Arleigh Burke cần sử dụng 2,3 tấn; một chiếc máy bay tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter cần gần 450kg kim loại đất hiếm…
Theo Báo cáo của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam hiện nay có trữ lượng đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, đá kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.
Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) có trữ lượng lớn nhất cả nước với diện tích 132ha, tổng trữ lượng trên 11,3 triệu tấn.
Riêng địa bàn tỉnh Lai Châu có trữ lượng đất hiếm chiếm hơn 50%. Ngoài Đông Pao, tỉnh này còn có mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Thèn Thầu (xã Nậm Xe và xã Bản Lang, huyện Phong Thổ).
Đất hiếm còn phân bố ở xã Yên Phú (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) nhưng trữ lượng ít hơn. Bên cạnh đó, còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Một số tỉnh như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Kon Tum, Lâm Đồng... cũng có nhiều mỏ đất hiếm được tìm thấy.
"Kho báu" đất hiếm Việt Nam cũng đang thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia, tổ chức lớn trên thế giới. Tháng 9/2022, đoàn chuyên gia Hàn Quốc và Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã làm việc tại tỉnh Lai Châu về việc hợp tác khảo sát, khai thác và chế biến tài nguyên đất hiếm. Tại buổi làm việc, đoàn chuyên gia Hàn Quốc mong muốn triển khai sớm hoạt động đầu tư các mỏ đất hiếm tại Lai Châu. Phía Hàn Quốc cũng cam kết sẽ mang công nghệ hiện đại đến khai thác tại Lai Châu.
Trong năm nay, vào đầu tháng 4, Công ty Nhà nước Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (CREG), một trong những công ty đất hiếm lớn nhất thế giới, đã bày tỏ mong muốn được hợp tác với các công ty Việt Nam nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ và phát triển kinh tế xã hội.
Trong chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng vào 30/6-3/7 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Posco - một trong top 5 doanh nghiệp kinh doanh tại Hàn Quốc cũng bày tỏ quan tâm tới chế biến đất hiếm tại Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang khởi động khai thác kho báu đất hiếm. Tổng Công ty Khoáng sản TKV (VIMICO) - công ty mẹ của Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu - VIMICO (Lavreco - chủ sở hữu mỏ đất hiếm Đông Pao) dự kiến đến cuối năm 2026 sẽ sản xuất tinh quặng đất hiếm và các sản phẩm đi kèm như fluorit, barit từ mỏ đất hiếm Đông Pao.
Mặc dù sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới nhưng Việt Nam hiện đang gặp rào cản lớn trong việc chế biến sâu để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp được cấp mỏ chưa làm chủ được công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu như đất hiếm tổng hợp có hàm lượng tối thiểu 95%, đồng thời chưa có công nghệ tách chiết ra các sản phẩm đất hiếm riêng rẽ.
Việc chuyển giao công nghệ từ các nước có công nghệ chế biến sâu đất hiếm cũng gặp khó do đòi hỏi trình độ cao, các nước giữ bí mật, hạn chế chuyển giao.
Để giải quyết vấn đề này, PGS.TS Hoàng Anh Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu đã kiến nghị khảo sát đánh giá trữ lượng và giá trị của các thành phần nguyên tố đất hiếm trong các mỏ đã cấp phép, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ, tại cuộc họp kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) chiều 12/7, theo VnExpress.
Theo ông Sơn, Việt Nam cần xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ bằng cách hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh về đất hiếm, tập hợp đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến sâu đất hiếm và xử lý môi trường.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu đất hiếm, phân chia riêng các oxit đất hiếm độ sạch cao, công nghệ chế tạo nam châm đất hiếm cho ngành công nghiệp ô tô điện, điện gió để sớm đưa vào thực tế sản xuất trong vòng 10 năm tới.
"Việt Nam cũng cần tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác, chế biến sâu đất hiếm kèm theo điều khoản về chuyển giao công nghệ", ông nhấn mạnh.
Theo quy hoạch của Chính phủ, Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm. Các đề án thăm dò được chấp thuận tại Lai Châu, ngoài ra còn ở một số mỏ có nhiều tiềm năng.
Giai đoạn từ 2031-2050, tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai.
>> Láng giềng Việt Nam phát hiện thêm hai khoáng sản quý ở mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới