Việt Nam là đối tác quan trọng và tin cậy, là trụ cột trong hợp tác của Liên minh châu Âu ở khu vực
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen dự kiến sẽ thăm Việt Nam trong năm sau, khi hai bên kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhân dịp đó, Việt Nam và EU có thể công bố một quyết định quan trọng.
Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas (trái) và Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier tại cuộc gặp báo chí, chiều 22/10, tại Hà Nội. (Ảnh: Thu Loan) |
Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas cho biết như vậy trong cuộc gặp báo chí chiều 22/10.
Ông Schinas có chuyến công tác tới Việt Nam từ ngày 20 – 23/10 để khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2024 (GEFE) do Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tổ chức. Nhân dịp này, ông đã có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và bộ, ngành của Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí, ông Schinas cho biết, ông là Phó Chủ tịch EC phụ trách các lĩnh vực liên quan đến con người, bao gồm y tế, đào tạo, di cư, tăng cường kỹ năng... Ông khẳng định, trong những lĩnh vực ông phụ trách, Việt Nam chiếm vị trí đặc biệt. Việt Nam là đối tác quan trọng và tin cậy của EU, là trụ cột trong hợp tác của EU ở khu vực.
Việt Nam là đối tác hàng đầu của EU ở khu vực, với thương mại song phương tăng 40% trong những năm qua. Ông cho rằng thành quả đó rất tốt đẹp, nhưng vẫn còn khả năng phát triển hơn nữa.
“Chuyến thăm của tôi đến Việt Nam là để chuẩn bị cho bước mới trong quan hệ hợp tác giữa hai phía nhằm nâng lên mức sâu rộng hơn”, ông Schinas nói.
Chia sẻ về những triển vọng nếu hai bên nâng cấp quan hệ lên mức mới, Phó Chủ tịch EC cho biết các quốc gia EU sẽ tiếp tục đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Ông cho biết, sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu mà EU đang triển khai phù hợp với nền kinh tế năng động như Việt Nam, sẽ giúp Việt Nam huy động nguồn tài chính từ khu vực công, các định chế tài chính và khu vực tư nhân, để phát triển hơn nữa kinh tế xanh.
Tích cực giải quyết những vấn đề còn lại
Trả lời câu hỏi về thời điểm Việt Nam và EU sẽ nâng cấp quan hệ, Phó Chủ tịch EC cho biết, ông nhận thấy nhiều đánh giá tích cực trong các cuộc trao đổi với các lãnh đạo và bộ, ngành của Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam lần này.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch cho chuyến thăm chính thức của Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen đến Việt Nam trong năm tới”, ông Schinas nói.
Ông cho biết, năm 2025 là mốc quan trọng với lễ kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ EU - Việt Nam. “Mọi nguyên liệu nấu món ăn đã sẵn sàng. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn có thể”, ông nói.
Trả lời câu hỏi về những việc còn phải làm trước khi nâng cấp quan hệ, ông cho biết hai bên còn thời gian từ giờ đến tháng 4. Hai bên đang phối hợp giải quyết những vấn đề còn lại liên quan đến ngành ô tô, kiểm dịch, nông nghiệp, lao động…
Về câu hỏi liên quan đến thời điểm đoàn thanh tra EU sẽ sang Việt Nam để kiểm tra thực hiện các khuyến nghị về khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam dự kiến sẽ gửi báo cáo tiến độ triển khai các khuyến nghị, sau đó các thanh tra của EC sẽ nghiên cứu báo cáo.
Nếu thấy tiến bộ triển khai đáng quan tâm, đoàn thanh tra có thể lên kế hoạch sang Việt Nam kiểm tra trực tiếp trong năm nay. Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản của EU đã thống nhất rằng thanh tra EU sẽ chỉ sang khi họ đánh giá rằng có cơ hội tốt để thấy thay đổi tích cực của Việt Nam. Khi nào đoàn thanh tra sang nghĩa là Việt Nam có cơ hội tốt, Đại sứ cho biết.
Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas nhấn mạnh, EU sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì hoà bình và an ninh trên thế giới, cũng như hoà bình và an ninh ở Biển Đông. Ông khẳng định đây là khu vực rất quan trọng đối với EU vì khối lượng lớn hàng hoá của châu Âu đi qua khu vực này.
Ông cho biết, EU rất quan ngại về sự gia tăng đối đầu và căng thẳng ở Biển Đông, vì thế sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác, nước bạn bè để duy trì hoà bình và an ninh trên biển ở khu vực.
>> G7 có kế hoạch 'đóng băng' tài sản của Nga dù xung đột kết thúc