Việt Nam lập kỷ lục nhờ 'quái vật công nghệ' có trọng lượng 260 tấn, cao tương đương tòa nhà 3 tầng, làm được điều chưa quốc gia Đông Nam Á nào làm được
Thành công đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á hiện nay làm nên kỳ tích.
Kỳ tích chưa từng có của ngành điện Đông Nam Á
Ngày 16/12/2024, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) tổ chức Lễ xuất xưởng và gắn biển công trình “Thiết kế, chế tạo máy biến áp 500kV-3x300MVA”. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á chế tạo thành công máy biến áp 500kV với công suất lớn, đồng thời gia nhập nhóm ít ỏi các quốc gia trên thế giới làm chủ công nghệ này.
![Việt Nam lập kỷ lục nhờ 'quái vật công nghệ' có trọng lượng 260 tấn, cao tương đương tòa nhà 3 tầng, làm được điều chưa quốc gia Đông Nam Á nào làm được - ảnh 1](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/14/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_13-_ky_tich_3_dswu.jpeg)
Dự án này nằm trong chương trình sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia “Hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo tổ máy biến áp lực 500kV-3x300MVA” do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Để chuẩn bị cho quá trình chế tạo, EEMC đã nâng cấp nhà xưởng, đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại và xây dựng phòng thử nghiệm 500kV – phòng thử nghiệm duy nhất tại Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn IEC.
Nhóm 20 kỹ sư của EEMC đã mất 5 năm để nghiên cứu và phát triển công nghệ chế tạo máy biến áp 500kV-3x300MVA. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), quá trình này gặp không ít thách thức, đặc biệt là ở giai đoạn thiết kế và thẩm định. Hai công đoạn này phải tiến hành song song, liên tục thử nghiệm mô phỏng và đánh giá cùng các chuyên gia quốc tế.
Năm 2023, khi thiết kế đã đạt khoảng 75% tiến độ, song 25% còn lại đòi hỏi nhiều nỗ lực do việc chuyển từ mô phỏng sang sản xuất thực tế luôn tiềm ẩn rủi ro kỹ thuật. Là thiết bị siêu cao áp, bất kỳ sai sót nào trong thiết kế cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưới điện quốc gia. Do đó, nhóm kỹ sư phải nghiên cứu kỹ từng hệ số, đồng thời học hỏi từ các tài liệu chuyên ngành, tham khảo sản phẩm tương tự trên thế giới và áp dụng kinh nghiệm từ các sản phẩm do EEMC từng sản xuất trước đó.
Sau khi hoàn thành chế tạo, máy biến áp 500kV - 3x300MVA có trọng lượng 260 tấn, cao tương đương tòa nhà 3 tầng đã trải qua quá trình thử nghiệm và đáp ứng toàn bộ các hạng mục thử nghiệm xuất xưởng theo tiêu chuẩn IEC. Đây là kết quả của tinh thần lao động sáng tạo, sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ kỹ sư và công nhân Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh. Lần đầu tiên, một doanh nghiệp trong nước đã làm chủ hoàn toàn công tác thiết kế và chế tạo thành công máy biến áp 500kV có công suất lớn nhất trên lưới điện truyền tải Việt Nam hiện nay.
![Việt Nam lập kỷ lục nhờ 'quái vật công nghệ' có trọng lượng 260 tấn, cao tương đương tòa nhà 3 tầng, làm được điều chưa quốc gia Đông Nam Á nào làm được - ảnh 2](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/14/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_13-_ky_tich_1_hucn.png)
‘Vé vàng' đưa ngành điện Việt Nam ra toàn cầu
Thành công trong việc chế tạo máy biến áp 500kV-3x300MVA của EEMC không chỉ giúp ngành điện lực trong nước chủ động hơn mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành quốc gia có công nghệ sản xuất thiết bị điện hàng đầu khu vực.
Theo nghiên cứu đăng tải trên ScienceDirect, việc chế tạo máy biến áp 500kV công suất lớn đòi hỏi vật liệu cách điện có độ bền cao, khả năng chịu nhiệt và chống phóng điện tốt. Một trong những thách thức lớn là đảm bảo phân bố điện trường đồng đều, vì bất kỳ điểm tập trung điện áp nào cũng có thể gây ra phóng điện cục bộ. Ngoài ra, loại máy biến áp này phải chịu được lực điện từ lớn và rung động trong quá trình vận hành, đòi hỏi độ chính xác cao trong từng công đoạn sản xuất.
Đại diện EEMC cho biết, việc chế tạo thành công máy biến áp 500kV-3x300MVA là tiền đề quan trọng để công ty tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới như biến dòng điện, biến điện áp, kháng điện 500kV, trạm GIS cách điện bằng khí sạch, dao cách ly…, góp phần nội địa hóa các thiết bị điện chính trên lưới điện Việt Nam.
![Việt Nam lập kỷ lục nhờ 'quái vật công nghệ' có trọng lượng 260 tấn, cao tương đương tòa nhà 3 tầng, làm được điều chưa quốc gia Đông Nam Á nào làm được - ảnh 3](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/14/statictttc.kinhtedothi.vn-zoom-1000-uploaded-nguyennhuquynh-2025_02_13-_ky_tich_2_pznw.jpeg)
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng mới 49.350MVA trạm biến áp 500kV và 12.300km đường dây 500kV. Trong giai đoạn 2031 - 2050, Việt Nam dự kiến tiếp tục phát triển thêm 90.900MVA trạm biến áp 500kV và từ 9.400 đến 11.152km đường dây 500kV, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 14,9 tỷ USD cho giai đoạn 2021 - 2030, và từ 34,8 đến 38,6 tỷ USD cho giai đoạn 2031 - 2050.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, năm 2024, EEMC đã ký hợp đồng xuất khẩu máy biến áp 70MVA 132kV sang Australia, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt máy biến áp toàn cầu được dự báo sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2026, theo phân tích của Công ty Tư vấn năng lượng Rystad Energy. Tờ Financial Times tháng 11/2024 cũng dẫn lời nhà sản xuất máy biến áp lớn nhất thế giới Hitachi Energy, cảnh báo rằng ngành công nghiệp này đang trong tình trạng "quá tải" và không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thiết bị lưới điện ngày càng gia tăng.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nhu cầu là sự mở rộng nhanh chóng của các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) và sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo. Các nhà sản xuất máy biến áp trên thế giới đang nỗ lực tăng sản lượng để bắt kịp xu hướng này, tạo ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp thiết bị điện của Việt Nam nói chung và EEMC nói riêng. Nếu tận dụng tốt lợi thế này, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu máy biến áp hàng đầu khu vực.
Xuất xưởng máy biến áp 500kV lớn nhất do Việt Nam sản xuất
Máy biến áp 500kV lớn nhất do Việt Nam sản xuất chính thức xuất xưởng