Việt Nam-New Zealand: Hợp tác kinh tế - thương mại không ngừng phát triển
Từ khi Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao và đặc biệt kể khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển.
Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, từ ngày 5 đến 11/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, đồng thời thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand.
Đây là chuyến thăm chính thức New Zealand đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ. Điều này cho thấy sự coi trọng của New Zealand đối với Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Hai nước Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/6/1975 và đến tháng 9/2009 nâng cấp lên Quan hệ Đối tác Toàn diện. Tiếp đó, tháng 7/2020 hai nước tiếp tục nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược. Từ đó đến nay, hai nước Việt Nam và New Zealand duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp.
Từ khi Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao và đặc biệt kể từ khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển.
Kim ngạch thương mại 2 chiều tăng đều qua các năm
Theo thông tin số liệu từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand; là nhà xuất khẩu thứ 13 vào thị trường New Zealand và là nhập khẩu đứng thứ 17 của New Zealand.
Trong khi đó, New Zealand là đối tác thương mại thứ 38 của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 51, nhập khẩu lớn thứ 58 của Việt Nam.
Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 tới 750 triệu USD năm 2013 (tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm). Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 5,7% so với năm 2021. Năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD, giảm khoảng 5,6% so với năm 2022.
Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường New Zealand, việc Việt Nam và New Zealand cùng tham gia các FTA đa phương khiến rào cản thuế quan, phi thuế quan ngày càng thấp hoặc bị loại bỏ. Đây là lợi thế lớn giúp hàng hóa Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh với hàng hóa từ các nước không có FTA với New Zealand. Chính sách của New Zealand về việc tìm kiếm các nước đối tác cung ứng và thị trường khác ngoài EU và Trung Quốc cũng góp phần mở ra cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu.
New Zealand được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khi phần lớn các mặt hàng New Zealand cần nhập khẩu là những mặt hàng mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung ứng.
Cụ thể, do không có thế mạnh về các ngành nghề chế tạo nên New Zealand phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng bao gồm máy móc, thiết bị cơ khí; xe cộ; xăng dầu; máy móc, thiết bị điện tử; hàng dệt may; nhựa và sản phẩm nhựa; các thiết bị y tế; sắt thép; dược phẩm; giấy bìa; thức ăn gia súc đã chế biến; phân bón; các chế phẩm ăn liền..
Về đầu tư, tính đến tháng 11/2023, New Zealand có 52 dự án đầu tư với tổng số vốn 208,35 triệu USD, đứng thứ 39/143 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand nhóm hàng: Điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, hạt điều, giày dép… và nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, hoa quả, gỗ, nguyên liệu phụ liệu dệt, may, gia dày, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, phế liệu sắt thép, sắt thép các loại...
Về phương diện nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu chính của New Zealand bao gồm sản phẩm từ sữa; thịt bò, cừu; len; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; các loại trái cây và hạt (trong đó có những loại trái cây như kiwi, cherry, táo…); hải sản (cá ngừ, vẹm xanh…)… là những mặt hàng được nhiều người Việt Nam ưa chuộng.
Để khai thác tiềm năng và các điều kiện thuận lợi quan hệ thương mại, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các FTA mà Việt Nam và New Zealand là thành viên nhằm khai thác, tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế và xuất xứ hàng hóa.
Khi tiếp cận thị trường cần có chiến lược bài bản, dài hạn, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường này với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm có liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm nghiệm kiểm dịch nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Mặt khác, doanh nghiệp phải tích cực tham gia các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm) hoặc các chương trình giao thương nhằm tìm kiếm đối tác, quảng bá các sản phẩm chất lượng của Việt Nam tại thị trường.
Trên cơ sở những kết quả hợp tác thương mại mà hai nước đạt được trong thời gian qua, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam và New Zealand đều đang là những nền kinh tế năng động và đang tiến hành các biện pháp cải cách rất mạnh mẽ nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng vốn có để ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Hai nước có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư.
Chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dịp quan trọng để lãnh đạo hai nước Việt Nam và New Zealand thảo luận các định hướng và biện pháp nhằm tiếp tục củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế, đầu tư, lao động, giáo dục, công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi số...
Hạn chế áp dụng rào cản kỹ thuật không cần thiết trong thương mại
Trước đó, tháng 7/2023, trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại, Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand Damien O'Connor, hai Bộ trưởng cùng nhất trí cần tăng cường hợp tác, khai thác tối đa các lợi thế và cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng quan hệ thương mại Việt Nam - New Zealand.
Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị hai bên cần đôn đốc các cơ quan liên quan phối hợp triển khai những nội dung đã thống nhất tại Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - New Zealand về kinh tế thương mại diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam vào cuối tháng 5/2023, qua đó vừa tháo gỡ khó khăn, vừa tạo cơ hội hợp tác kinh doanh, thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc dỡ bỏ các thủ tục nhập khẩu và hạn chế áp dụng rào cản kỹ thuật không cần thiết đối với thương mại là quan trọng đồng thời tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm nông sản mới sẽ giúp tăng quy mô trao đổi thương mại song phương.
Mặt khác, nhằm hạn chế sự sụt giảm trong trao đổi thương mại, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, hội thảo giao thương, đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - New Zealand.
Việt Nam và New Zealand đều là hai nền kinh tế năng động, có nhiều tiềm năng hợp tác mang tính bổ sung cho nhau và đang tiến hành nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ nhằm hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.