Việt Nam thu gần 1 tỷ USD từ một mặt hàng quen thuộc với người nông dân
Với gần 942 triệu USD từ xuất khẩu trong 11 tháng, thức ăn gia súc và nguyên liệu khẳng định sức hút dù giá cả thị trường đầy biến động.
Một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam, mang lại hàng tỷ USD mỗi năm, chính là thức ăn gia súc và nguyên liệu, một ngành giữ vai trò thiết yếu trong nền kinh tế nông nghiệp. Tính từ đầu năm 2024, Việt Nam đã thu về hơn 941,93 triệu USD, bất chấp những biến động thị trường. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, riêng tháng 11 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc đạt hơn 92 triệu USD, giảm nhẹ 4,6% so với tháng 10. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng đầu năm, kim ngạch đã giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Ảnh minh hoạ |
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của thức ăn gia súc và nguyên liệu Việt Nam, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 376 triệu USD, giảm 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Mỹ và Campuchia đang nổi lên như hai thị trường cạnh tranh gay gắt để gia tăng thị phần nhập khẩu từ Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 119,94 triệu USD, tăng 46%, chiếm 12,7% tổng giá trị, trong khi xuất khẩu sang Campuchia đạt 116,77 triệu USD, giảm 24,9%, chiếm 12,4%.
Thức ăn chăn nuôi là yếu tố quyết định lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chiếm từ 60 đến 70% chi phí sản xuất chăn nuôi. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đặn với tốc độ kép 5,06% mỗi năm, từ 9,124 tỷ USD năm 2019 lên 12,27 tỷ USD vào năm 2025. Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng dự đoán, trong 5 năm tới, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ đạt khoảng 28 đến 30 triệu tấn mỗi năm, tương đương giá trị 12 đến 13 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 11 đến 12% mỗi năm. Trong đó, hơn một nửa sản lượng nguyên liệu sẽ phục vụ ngành gia cầm.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của thức ăn gia súc và nguyên liệu Việt Nam |
Cả về số lượng và công suất, số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh. Năm 2019, cả nước chỉ có 261 nhà máy với sản lượng 18,9 triệu tấn, nhưng đến năm 2023, số nhà máy đã tăng lên 294, tăng 12,6%, sản lượng đạt 20 triệu tấn, tăng 5,8%. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện chiếm 60% sản lượng, trong khi doanh nghiệp trong nước chiếm 40%.
Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các "ông lớn" quốc tế. Nhiều doanh nghiệp FDI đã và đang mở rộng đầu tư, bao gồm những cái tên nổi bật như Cargill Group (Mỹ), Haid Group (Trung Quốc), CP Group (Thái Lan), De Heus (Hà Lan), BRF (Brazil), Japfa (Singapore), CJ (Hàn Quốc). Sự tham gia của các tập đoàn lớn không chỉ thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp FDI và nội địa mà còn góp phần nâng cao năng lực sản xuất, định vị Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực.
Với nguồn nguyên liệu dồi dào, tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng phát triển dài hạn, ngành thức ăn chăn nuôi đang là "mỏ vàng" của Việt Nam, thu hút sự chú ý không chỉ từ các quốc gia lân cận mà còn từ các cường quốc kinh tế trên thế giới.
>>Chỉ vài ngày nữa Apple sẽ khai tử cùng lúc 3 mẫu iPhone: Điều gì đang xảy ra?