Vietnam Airlines (HVN) tiết kiệm được 44.500 tỷ đồng trong giai đoạn tái cơ cấu
Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí và cân đối tài chính, Vietnam Airlines (HVN) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 6.263 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2024.
Theo Vietnamnet, tại Hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam - thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines”, diễn ra sáng 10/11, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT đã phân tích rằng đặc thù của hãng hàng không quốc gia khác với nhiều doanh nghiệp nhà nước khác ở tính hội nhập sâu rộng và cạnh tranh khốc liệt.
Theo ông Hòa, trong trường hợp Vietnam Airlines không thay đổi, không nhanh chóng chuyển đổi số và nâng cao chất lượng dịch vụ, hãng sẽ không còn là lựa chọn của hành khách.
Chủ tịch Vietnam Airlines nhấn mạnh rằng, dù nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước sau đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines xác định phải tự lực là chính. Trong hơn 3 năm qua, hãng hàng không đã áp dụng các biện pháp quản trị dòng tiền, tiết kiệm chi phí và đàm phán giãn, hoãn thanh toán, nhờ đó tiết kiệm được 44.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều hợp đồng đã ký từ 10 năm trước đều được đưa ra đàm phán lại, trong đó một số đối tác đã giảm cho Vietnam Airlines khoản phí lên đến 700 triệu USD (tương đương hơn 17.600 tỷ đồng). Bên cạnh đó, sau các nỗ lực đàm phán, một số đối tác đã đồng ý giảm tổng cộng gần 6.000 tỷ đồng trong nghĩa vụ nợ cho Pacific Airlines - công ty con của HVN, giúp hãng hàng không này giảm gánh nặng tài chính và cải thiện khả năng thanh toán.
Cùng với tiết giảm chi phí và cân đối tài chính, trong 3 quý đầu năm 2024, Vietnam Airlines ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 79.161 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6.263 tỷ đồng, qua đó đưa vốn chủ sở chỉ còn âm 11.086 tỷ đồng.
Vietnam Airlines (HVN) báo lãi hơn 6.000 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2024 |
Tại hội thảo, Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa cho biết kiến nghị, giải pháp quan trọng nhất là tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế để Vietnam Airlines phục hồi và phát triển bền vững, trong đó có việc thông qua đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Được biết, trong đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã đề xuất một loạt các biện pháp nhằm giúp hãng phục hồi và phát triển bền vững trong giai đoạn 2021-2035. Một trong những kiến nghị quan trọng là cho phép HVN chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, với điều kiện đáp ứng các quy định tại Khoản 2, Điều 15 của Luật Chứng khoán 2019, ngoại trừ điểm b.
Đồng thời, hãng cũng đề xuất Chính phủ giao cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) cùng các doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực tài chính thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phần tại Vietnam Airlines. Phương thức này sẽ được thực hiện khi HVN thực hiện phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Bên cạnh đó, HVN cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao cho hãng và các doanh nghiệp thành viên do VNA sở hữu 100% vốn điều lệ là nhà đầu tư các dự án thuộc "Dự án thành phần 4 - Tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành", nhằm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái hàng không quốc tế tại Việt Nam.
Một kiến nghị khác liên quan đến công ty con của HVN - Pacific Airlines là đề xuất miễn nộp các khoản tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp thuế, đồng thời miễn trừ việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo Luật Quản lý thuế hiện hành, nhằm giúp Pacific Airlines vượt qua khó khăn tài chính do tác động của đại dịch.
>> Hàng không ‘cất cánh’, Vietnam Airlines (HVN) lãi thêm 860 tỷ đồng trong quý III/2024