VIMC (MVN) tăng gần 60% sau 5 phiên, chính thức quay lại câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD
Sau 5 phiên giao dịch, VIMC (MVN) tăng gần 60% lên mức 30.000 đồng/cp (giá đóng cửa phiên giao dịch 12/6) với hơn 2 triệu đơn vị được 'sang tay'.
Sau thời gian dài giao dịch trầm lắng, cổ phiếu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC, UPCoM: MVN) đã bất ngờ tăng dựng đứng. Sau 5 phiên giao dịch, cổ phiếu vận tải biển này đã tăng gần 60% lên mức 30.000 đồng/cp (giá đóng cửa phiên giao dịch 12/6) với thanh khoản đạt hơn 2 triệu đơn vị, cao gấp hơn 5.513 lần so với khối lượng giao dịch khớp lệch trung bình 10 phiên gần nhất.
Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng lên ngưỡng 31.400 tỷ đồng (~1,23 tỷ USD), qua đó đưa MVN trở lại “câu lạc bộ” tỷ USD vốn hoá trên sàn chứng khoán.
Diễn biến giá cổ phiếu MVN |
Sự tích cực của cổ phiếu doanh nghiệp lớn ngành logistics này diễn ra cùng xu thế chung của nhóm cảng biển trong thời gian gần đây, khi mà giá cước vận tải biển đang tăng “nóng”. Theo đó, giá vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển đi các nước châu Âu, Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh, chỉ số container thế giới đã cán mốc 4.716 USD/container 40 feet, tương đương mức tăng mạnh 73% trong một tháng và tăng 181% so với cùng kỳ.
Giới chuyên gia dự báo, giá cước vận tải có thể còn tiếp tục tăng khi xung đột khu vực biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhu cầu hàng hóa phục hồi và tình trạng thiếu container tại các cảng xuất lớn gây áp lực mạnh lên giá cước khi bước vào mùa cao điểm. Việc giá cước neo cao được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp vận tải biển.
Đáng chú ý, đà tăng bốc của của cổ phiếu MVN với 2 phiên tăng trần liên tiếp gần nhất diễn ra sau khi doanh nghiệp chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường 2024. Ngày đăng ký cuối cùng là 26/6 và đại hội dự kiến sẽ tổ chức trực tiếp vào ngày 22/7. Nội dung cuộc họp được VIMC thông qua là phê duyệt bổ sung ngành nghề kinh doanh và phê duyệt sửa đổi, bổ sung nội dung điều lệ của doanh nghiệp và những nội dung khác (nếu có).
Được biết, VIMC (tên cũ là Vinalines) được thành lập năm 1995 với định hướng phát triển kinh doanh 3 lĩnh vực gồm vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Trong đó, lĩnh vực cảng biển, đặc biệt là vận tải container đóng vai trò cốt lõi.
VIMC là đơn vị sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước và đóng vai trò vận tải quan trọng của nền kinh tế. Đội tàu của VIMC hiện đang chiếm tới 25% tổng dung tích đội tàu trong cả nước, trong đó có những loại tàu hàng rời cỡ lớn đến 73.000 DWT, hàng năm chuyên chở 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam, góp phần vào việc mở rộng giao thương của Việt Nam tới rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2024, VIMC ước tính sản lượng vận tải biển giảm 24% xuống 15,9 triệu tấn, song sản lượng hàng thông qua cảng dự kiến tăng 8% lên 123,6 triệu tấn. Doanh thu hợp nhất dự kiến giảm nhẹ 4% xuống 13.447 tỷ đồng, nguyên nhân chính đến từ việc khối vận tải biển suy giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 2.736 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận của công ty mẹ tăng từ việc đánh giá lại tài sản góp vốn thành lập VIMC Lines khoảng 452 tỷ đồng.
>> Động lực nào sẽ giúp cổ phiếu ngành cảng biển tạo sóng nửa cuối năm 2024?
Gelex (GEX) 'bắt tay' với FPT thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
'Giấc mơ' 1.300 điểm của VN-Index liệu sẽ thành hiện thực trong tháng 6?