Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá, ngành khai thác cảng và vận tải biển có nhiều tín hiệu phục hồi rõ nét, báo hiệu mùa cao điểm sắp tới.
Trong báo cáo ngành cảng và vận tải biển nửa cuối năm 2024 mới đây, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá triển vọng ngành khả quan trong nửa cuối năm 2024 nhờ:
(1) Tâm lý người tiêu dùng tại Mỹ và EU đang trong xu hướng hồi phục, hỗ trợ cho doanh số bán hàng trong thời gian tới, dù vẫn thấp hơn so với mức trước Covid-19;
(2) PMI của các nền kinh tế lớn đang có sự phục hồi tích cực;
(3) Áp lực lạm phát hạ nhiệt, duy trì ở mức thấp sẽ hỗ trợ cho tiêu dùng;
(4) Nhu cầu vận chuyển hàng hóa cao khi bước vào mùa cao điểm quý II và IV.
Nguồn: TPS |
Nhóm phân tích nhận thấy giá cước vận tải sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao trong nửa cuối năm 2024 nhờ ba yếu tố chính:
(i) Xung đột khu vực biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi lực lượng Houthi liên tục tuyên bố mở rộng phạm vi tấn công ra khu vực biển Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải gây thêm áp lực cho ngành vận tải biển;
(ii) Nhu cầu hàng hoá phục hồi, giá cước thường có xu hướng tăng trong mùa cao điểm quý III, quý IV;
(iii) Dấu hiệu thiếu container tại các cảng xuất lớn, điều này sẽ gây áp lực mạnh lên giá cước khi bước vào mùa cao điểm.
Dù vậy, TPS vẫn nhận thấy các yếu tố giúp hạ nhiệt giá cước trong giai đoạn tới nhờ kỳ vọng mực nước hồ Gatun sẽ cải thiện khi Panama đang bước vào mùa mưa (tháng 5 – tháng 11). Đồng thời hiện tượng La Nina cũng sẽ quay trở lại giúp các tàu hàng tránh đi qua khu vực xung đột, rút ngắn thời gian từ châu Á - EU, tạo điều kiện cho giá cước hạ nhiệt.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý về khả năng nhiều tàu hàng cùng chuyển hướng đến kênh đào Panama có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và tác động ngược lại khiến giá cước tăng.
Nguồn: TPS |
Trên cơ sở đó, nhóm phân tích đã đưa ra khuyến nghị mua 2 cổ phiếu triển vọng ngành cảng và vận tải:
GMD: Gemalink và SCS sẽ đóng góp cfansg kể vào lợi nhuận trong năm 2024, giá mục tiêu 88.595 đồng/cp
Cho cả năm 2024, TPS kỳ vọng doanh thu của CTCP Gemadept (GMD) đạt mức 4.117 tỷ đồng, tăng 7% svck, lợi nhuận sau thuế đạt 1.568 tỷ đồng, giảm 38% svck. Trong đó, nhóm phân tích ước tính lợi nhuận đóng góp của Gemalink và SCS lần lượt đạt 245 tỷ đồng và 251 tỷ đồng, tăng 1328% và 49% svck.
TPS đánh giá triển vọng khả quan đối với GMD trên cơ sở:
(1) Gemalink đạt công suất khai thác 92% công suất thiết kế; khai thác thêm tuyến dịch vụ mới từ hãng tàu Evergreen.
(2) Cảng Nam Đình Vũ đạt công suất khai thác 95% nhờ nhu cầu hàng hoá xuất nhập khẩu phục hồi.
(3) Hoàn thành nạo vét kênh Hà Nam giúp nâng khả năng tiếp nhận tàu của cảng Nam Đình Vũ.
(4) SCS đạt được hợp đồng khai thác hàng hóa cho Qatar Airway, nhu cầu vận tải hàng không đang phục hồi giúp cải thiện đáng kể lợi nhuận đóng góp cho GMD.
(5) Thông tư 39/2023 nâng khung giá dịch vụ bốc dỡ, khung giá trần và sàn của nhóm cảng nước sâu được điều chỉnh tăng 10%.
HAH: Kỳ vọng vào mùa cao điểm nửa sau năm 2024 giúp cải thiện kết quả kinh doanh, giá mục tiêu 44.398 đồng/cp
Cho cả năm 2024, TPS kỳ vọng sản lượng khai thác của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) duy trì ổn định tăng 1% svck, sản lượng khai thác tàu tăng trưởng tăng 7,7% svck nhờ tăng thêm tuyến vận tải và bổ sung thêm 2 tàu container mới.
Doanh thu ước đạt 2.936 tỷ đồng, tăng 12,4% svck, lợi nhuận gộp đạt 564 tỷ đồng, giảm 8% svck.
Với kết quả này, nhóm phân tích ước tính công ty sẽ hoàn thành 88,3% kế hoạch doanh thu và 108,2% kế hoạch lợi nhuận.
Theo TPS, triển vọng của HAH trong năm 2024 bao gồm: Nhu cầu vận chuyển hàng hoá phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc cải thiện khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã bắt đầu “thẩm thấu”; giá cước cho thuê tàu kích cỡ 1.700 TEU hiện đã tăng đáng kể so với thời điểm quý III và IV/2023.
>> GMD tăng gần 20%, Gemadept tái triển khai kế hoạch huy động 3.000 tỷ đồng