Doanh nghiệp A-Z

Vĩnh Phúc họp khẩn với 50 doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ bàn về chính sách thuế đối ứng 46%

Thu Huyền 16/04/2025 - 11:39

Trước nguy cơ Mỹ siết thuế nhập khẩu, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị khẩn nhằm lắng nghe khó khăn và cùng doanh nghiệp tìm giải pháp. Gần 100 doanh nghiệp được xác định chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ chính sách mới.

Chiều ngày 15/4/2025, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi với các doanh nghiệp về chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và đại diện gần 50 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Vĩnh Phúc họp khẩn với 50 doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ bàn về chính sách thuế đối ứng 46%
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị)

Theo báo cáo, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ của các doanh nghiệp làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đạt 547,1 triệu USD, chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; riêng quý I/2025 đạt 125,6 triệu USD, chiếm 3,6%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm linh kiện xe máy, hàng may mặc, mũ bảo hiểm, giày dép các loại, thiết bị gia dụng và linh kiện điện tử.

Theo đánh giá của Sở Tài chính, toàn tỉnh hiện có 73 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường Mỹ. Khi mức thuế đối ứng 46% được áp dụng, giá thành sản phẩm của Việt Nam nói chung và của Vĩnh Phúc nói riêng tại thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng, làm giảm tính cạnh tranh so với hàng hóa từ các quốc gia khác. Điều này có thể dẫn đến sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có Vĩnh Phúc.

Còn theo khảo sát của Ban Quản lý các khu công nghiệp, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 45 doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp và 49 doanh nghiệp chịu tác động gián tiếp từ chính sách thuế mới.

Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp đã đánh giá mức độ ảnh hưởng của chính sách thuế đối ứng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời chia sẻ các giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và dài hạn, cũng như kiến nghị các giải pháp hỗ trợ từ Trung ương và địa phương nhằm bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Trước các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo các sở, ngành khẳng định cam kết đồng hành, hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong đó, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc sẵn sàng phối hợp chặt chẽ nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, chính sách thuế; đồng thời bảo đảm tính minh bạch trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Vĩnh Phúc hiện có nhiều doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong lĩnh vực khu công nghiệp và sản xuất công nghiệp. Tiêu biểu là CTCP Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (IDV) – chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp lớn như Khai Quang, Sông Lô II. Ngoài ra, địa phương còn có các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khác như Thép Mê Lin (MEL), Phụ Gia Nhựa (PGN), Dệt may Vĩnh Phúc (G20), Ống thép Việt Đức (VGS), Xuân Mai - Đạo Tú (XMD) và Viglacera Thăng Long (TLT).

Trong đó, Dệt may Vĩnh Phúc hiện có hơn 50 đối tác nước ngoài và 250 đại lý trong nước. Doanh nghiệp này đã xuất khẩu hàng hóa sang 2 thị trường lớn là Mỹ và Nhật Bản. Theo báo cáo của VNSC, sản phẩm thép của VGS được xuất khẩu sang Mỹ, Canada, EU, Indonesia, Lào và Myanmar, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng.

>> Hơn 37.000 tấn thủy sản Việt Nam đang trên đường sang Mỹ

Chính phủ mở rộng danh sách nhập khẩu máy bay, bổ sung 5 quốc gia ngoài Mỹ và châu Âu

Hải Phòng họp khẩn đối phó thuế quan từ Mỹ: Ước tính 64 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nguy cơ thiệt hại hàng tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vinh-phuc-hop-khan-voi-50-doanh-nghiep-xuat-khau-sang-my-ban-ve-chinh-sach-thue-doi-ung-46-286871.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vĩnh Phúc họp khẩn với 50 doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ bàn về chính sách thuế đối ứng 46%
    POWERED BY ONECMS & INTECH