Doanh nghiệp A-Z

Chính phủ mở rộng danh sách nhập khẩu máy bay, bổ sung 5 quốc gia ngoài Mỹ và châu Âu

Thu Huyền 15/04/2025 - 14:41

Chính phủ vừa ban hành nghị định mới mở rộng danh sách quốc gia được phép cung cấp máy bay vào Việt Nam, chào đón thêm nhiều nhà sản xuất lớn như Trung Quốc, Nga, Brazil, Anh và Canada.

Ngày 13/4/2025, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 89/2025/NĐ-CP, sửa đổi quy định về các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam, mở rộng thêm phạm vi nhập khẩu máy bay từ nhiều quốc gia.

Trước đó, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 89/2019/NĐ-CP, quy định: các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam phải được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) hoặc Nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ loại tàu bay.

Theo Nghị định số 89/2025/NĐ-CP, các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được phép do một trong các tổ chức sau cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận loại: FAA (Hoa Kỳ), EASA (châu Âu), Nhà chức trách hàng không Brazil, Canada, Liên bang Nga, Vương quốc Anh, Trung Quốc (CAAC) hoặc Bộ Xây dựng Việt Nam.

Như vậy, quy định mới cho phép mở rộng phạm vi phê duyệt nhập khẩu máy bay từ các quốc gia có năng lực hàng không phát triển như Brazil, Canada, Nga, Anh và Trung Quốc, thay vì chỉ giới hạn ở Mỹ và châu Âu như trước đây.

Chính phủ mở rộng danh sách nhập khẩu máy bay, bổ sung 5 quốc gia ngoài Mỹ và châu Âu
Ngành hàng không Việt Nam chào đón thêm nhiều nhà sản xuất lớn như Trung Quốc, Nga, Brazil, Anh và Canada (Ảnh minh họa)

Cuối năm 2024, tại hội nghị tổng kết công tác an toàn hàng không, Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) cho biết có 33 tàu bay đang phải bảo quản, ngừng khai thác trên 12 tháng. Một trong những nguyên nhân chính là do lệnh triệu hồi động cơ của Pratt & Whitney (Mỹ), khiến 26 trong số 53 tàu bay A321NEO phải ngừng bay.

Tính đến ngày 20/12/2024, tổng số tàu bay tại Việt Nam là 249 chiếc (gồm 220 máy bay cánh bằng và 29 trực thăng), giảm 12 chiếc so với năm 2023. Tình trạng thiếu tàu bay đang là một trong những nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng cao.

Vietnam Airlines, Vietjet và kế hoạch sử dụng máy bay của Trung Quốc, Brazil

Liên quan tới việc thuê, mua máy bay, ngày 14/4/2025, ông Hạ Đông Phong - Chủ tịch Tập đoàn tàu bay thương mại Trung Quốc (COMAC) đã đến thăm làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả thời gian qua giữa Tập đoàn COMAC và Vietjet Air, cũng như khả năng mở rộng hợp tác giữa COMAC và các hãng hàng không, các đối tác khác của Việt Nam trong tương lai.

Chính phủ mở rộng danh sách nhập khẩu máy bay, bổ sung 5 quốc gia ngoài Mỹ và châu Âu

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Hà Đông Phong, Chủ tịch Comac, ngày 14/4 (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ đề nghị cùng với hợp tác mua, thuê, thuê mua máy bay, COMAC hợp tác với các đối tác đầu tư các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại Việt Nam.

Ngoài ra, hãng hàng không Vietjet Air vừa đề xuất khai thác các chuyến bay thẳng tới Côn Đảo, sử dụng máy bay Comac ARJ21 của hãng máy bay Trung Quốc Comac. Hành trình dự kiến gồm các chặng khứ hồi từ Hà Nội và TP. HCM đến sân bay Côn Sơn.

Ngày 29/3 vừa qua, tại cuộc gặp ông Francisco Gomes Neto, Chủ tịch Tập đoàn Embraer của Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam có tiềm năng và nhu cầu ngày càng lớn trong lĩnh vực hàng không.

Cụ thể, Thủ tướng đề nghị Embraer hợp tác với các đối tác Việt Nam sản xuất các thiết bị hàng không, góp phần phát triển ngành công nghiệp hàng không thông qua chuyển giao công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm.

Chính phủ mở rộng danh sách nhập khẩu máy bay, bổ sung 5 quốc gia ngoài Mỹ và châu Âu
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Francisco Gomes Neto, Chủ tịch Tập đoàn Embraer của Brazil tại cuộc gặp, ngày 29/3 (Ảnh: VGP)

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất Tập đoàn hàng không vũ trụ của Brazil hợp tác cung cấp các loại máy bay với giá thành ưu đãi, xây dựng các trung tâm dịch vụ bảo dưỡng, bảo trì máy bay. Thủ tướng gợi ý Embraer nghiên cứu, phát triển nhiên liệu hàng không tái tạo, bền vững, giảm phát thải, xanh hóa ngành hàng không.

Trước đó, vào tháng 3/2024, theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC, nay đã sáp nhập về Bộ Tài chính) Nguyễn Ngọc Cảnh, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo Vietnam Airlines trong công tác hoàn thiện Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn của Tổng Công ty do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong đó, có nội dung tái cơ cấu Pacific Airlines và chiến lược tái cấu trúc và phát triển đội tàu bay. Do đó, các dòng máy bay thương mại thế hệ mới của Tập đoàn hàng không vũ trụ Embraer (Brazil) có thể phù hợp với các chặng bay ngắn và trung bình, với số lượng hành khách không quá lớn, thích hợp cho phân khúc hàng không giá rẻ.

Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh bày tỏ sự quan tâm tới các nội dung liên quan tới chính sách ưu đãi về chi phí, dịch vụ bảo dưỡng, công nghệ vận hành của các dòng máy bay thương mại thế hệ mới của Embraer; đồng thời, giao nhiệm vụ cho Vietnam Airlines làm việc với phía Tập đoàn Embraer để tìm hiểu và nắm bắt về các nội dung này.

>> Vietnam Airlines (HVN), Vietjet (VJC) ký loạt thỏa thuận tổng giá trị 860 triệu USD với các doanh nghiệp Mỹ

Trước thềm đàm phán với Mỹ, Phó Thủ tướng ra công văn khẩn về thương vụ mua máy bay tỷ USD của Vietnam Airlines (HVN)

Vietnam Airlines (HVN) công bố mức lợi nhuận cao kỷ lục, đạt gần 8.000 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chinh-phu-mo-rong-danh-sach-nhap-khau-may-bay-bo-sung-5-quoc-gia-ngoai-my-va-chau-au-286743.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chính phủ mở rộng danh sách nhập khẩu máy bay, bổ sung 5 quốc gia ngoài Mỹ và châu Âu
    POWERED BY ONECMS & INTECH