Dòng cổ phiếu ngân hàng dẫn đà tăng thị trường nhưng thanh khoản giảm mạnh. Dòng tiền mới dường như vẫn khá dè dặt trước những biến số khó lường của thế giới và thông tin lạm phát Mỹ công bố vào tối nay.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 16,18 điểm (1,56%) lên 1.050 điểm. HNX-Index tăng 1,31 điểm lên 224 điểm và UPCoM-Index tăng 0,03 điểm lên 78,97 điểm. Thanh khoản trên HOSE giảm mạnh so với phiên hôm qua với giá trị 8.900 tỷ đồng.
Dẫn dắt đà tăng của thị trường là nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn khi sắc xanh chiếm sóng. Sau khoảng thời gian "nếm mật nằm gai", cổ phiếu ngân hàng đã trở lại ấn tượng với hai phiên bứt phá liên tiếp và trở thành "đầu tàu" dẫn dắt đà tăng của chỉ số. Nhiều cổ phiếu đã kết phiên với biên độ tăng mạnh như ACB (+6,7%) BID (+6,6%), CTG (+5,9%), STB (+4,1%), VCB (+3,9%)… Ngoài ra, các mã ngân hàng còn lại cũng đều kết phiên với mức tăng tốt.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là thanh khoản lại tiếp tục giảm mạnh với khối lượng khớp lệnh dưới 7.400 tỷ đồng trên HOSE. Dòng tiền mới dường như vẫn khá dè dặt trước những biến số khó lường và thông tin lạm phát Mỹ công bố vào tối nay.
Trong phiên đêm hôm qua các chỉ số chính đều giảm. Trong đó S&P500 giảm 0.33% giá trị đánh dấu phiên giảm thứ 6 liên tục. Dù đã đi lên trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng các chỉ số đều giảm nhẹ ở cuối phiên. Một trong những yếu tố tác động lên thị trường là chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9 của Mỹ tăng 0.4% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0.2%. Xét trong giai đoạn 12 tháng, PPI tăng 8.5% trong tháng 9, thấp hơn mức 8.7% của tháng 8/2022. Đây là tín hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ chưa hạ nhiệt và tâm điểm chủ yếu sẽ là chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 sẽ được công bố trong tối nay theo giờ Việt Nam.
Cũng có tác động trên thị trường Mỹ đêm qua là biên bản cuộc họp chính sách tháng 9 của FED được công bố, các quan chức FED kỳ vọng sẽ tránh được giảm tốc với dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay và năm sau lần lượt là 0.2% và 1.2%. Dữ liệu ngày 12/10 cho thấy Fed vẫn còn nhiều điều cần phải làm để chống lạm phát. Trên thực tế, Chủ tịch Fed khu vực Cleveland Loretta Mester cho biết “vẫn chưa có tiến triển gì về lạm phát”. Sau báo cáo về PPI, các Trader dự báo có 81.3% xác suất Fed nâng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 11/2022.
Phiên đêm hôm qua cũng đã chứng kiến giá dầu thế giới sụt giảm phiên thứ 3 liên tiếp trước sức ép từ nhu cầu của thị trường. Cụ thể là giá dầu Brent tương lai giảm hơn 2% và chạm mức 92.27 USD/ thùng, trong khi đó dầu WTI cũng xuống dưới 86.97 USD/ thùng. Còn đồng USD thì tăng, đi kèm với đó là nhu cầu thắt chặt được xem là nguyên nhân chính kéo giá dầu tiếp tục sụt giảm. Và hiện OPEC và cả Mỹ đều đã hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu do tác động của lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ.
Bên cạnh lạm phát hay giá dầu thì đồng bảng Anh cũng là 1 trong những tâm điểm đáng chú ý trên thị trường trong những ngày gần đây. Đêm qua đã có thời điểm tỷ giá đã rơi xuống ngưỡng 1 bảng Anh đổi 1,09 USD tuy nhiên sau đó đồng bảng đã bật tăng trở lại về sát mức là 1,11 USD khi có nhiều thông tin cho rằng là ngân hàng trung ương anh BoE sẵn sàng điều chỉnh chính sách để tiếp tục hỗ trợ thị trường trái phiếu của nước này.
Hôm 11/10, thống đốc BoE - ông Andrew Bailey lần nữa nhắc lại quan điểm ban đầu của cơ quan này rằng BoE sẽ sớm chấm dứt chương trình can thiệp mua trái phiếu khẩn cấp. Bailey: “ Chúng tôi đã thông báo sẽ hoàn tất chương trình vào cuối tuần này và quá trình tái cơ cấu của các quỹ cần được thực hiện sớm. Thông điệp của tôi với các nhà quản lý quỹ là các bạn còn 3 ngày để làm xong mọi việc”. Tuy nhiên chỉ sau 1 ngày, BoE dường như đã có cú quay xe, các thông tin của tờ thời báo cho biết cơ quan này đã bí mật phát tín hiệu cho các ngân hàng rằng họ có thể điều chỉnh chính sách và kéo dài việc mua trái phiếu hiện nay nếu thấy cần thiết. Theo các chuyên gia đây là bước đi đã được dự đoán dù không nằm trong kế hoạch của BoE khi mà họ còn phải đang ứng phó với lạm phát. Ông Peter Schaffrik - Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets: “Khi mà ổn định của thị trường tài chính bị đe dọa, các NHTW sẽ phải tạm dừng những mục tiêu khác, mà ở đây với BoE là thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Trước đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Anh các kỳ hạn 20 và 30 năm đã tăng trở lại như thời điểm cuối tháng 9 khi BoE tuyên bố can thiệp thị trường. Việc kéo dài chương trình mua trái phiếu cũng được giới điều hành quỹ hưu trí ủng hộ để họ có thêm thời gian tái cơ cấu nguồn tài chính tránh nguy cơ hỗn loạn thị trường trở lại.