VN-Index chao đảo trước thời khắc Mỹ ra quyết định áp thuế, liệu có thủng mốc 1.300 điểm?
Theo nhận định của chuyên gia, VN-Index nhiều khả năng sẽ vận động trong biên độ hẹp trước thời khắc Mỹ đưa ra chính sách thuế quan mới vào tối ngày 2/4 tới đây.
Dưới tác động của tâm lý thận trọng trước thời điểm Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, VN-Index ghi nhận phiên giao dịch cuối cùng của quý I/2025 với diễn biến không mấy tích cực. Ngay từ đầu phiên ngày 31/3, chỉ số giảm hơn 4 điểm và tiếp tục lao dốc về cuối phiên, đóng cửa tại mức 1.306, mất hơn 10 điểm.
Nhận định về diễn biến thị trường, ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích tại CTCP Chứng khoán Pinetree cho rằng xu hướng giảm của VN-Index tương đồng với thị trường thế giới trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về chính sách thuế quan mới của Mỹ, dự kiến công bố vào tối 2/4. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn do giá trị xuất siêu sang Mỹ ở mức cao. Theo ông Khang, sự khó lường của Tổng thống Trump khiến giai đoạn hiện tại trở nên nhạy cảm nên nhiều nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài quan sát hoặc thu hẹp vị thế.
Ngoài ra, áp lực điều chỉnh còn đến từ việc VN-Index đã tạo 2 khoảng trống giá (gap) tại vùng 1.304 và 1.307 điểm trong nhịp tăng trước đó. Phiên giao dịch cuối tháng 3 đã lấp đầy các khoảng trống này, báo hiệu khả năng thị trường sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp trước thời điểm 2/4.
Đánh giá thêm về tác động của chính sách thuế quan mới, ông Khang nhận định động thái này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu niêm yết. Tính đến giữa tháng 3/2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 82,3 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thặng dư thương mại chỉ đạt 1,81 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 5,5 tỷ USD của năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp nhập khẩu gia tăng thu mua hàng hóa trước nguy cơ hàng rào thuế quan bị siết chặt.
Do đó, nếu Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc và có thể cả Việt Nam, rủi ro đối với ngành xuất khẩu sẽ gia tăng. Tuy nhiên, mức độ tác động cụ thể còn phụ thuộc vào từng nhóm ngành và mức thuế áp dụng so với các quốc gia khác.
Về chiến lược đầu tư, ông Khang khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch khi xu hướng thị trường chưa rõ ràng, đặc biệt là trước ngày 2/4. Chính sách thuế quan từ Mỹ tiềm ẩn nhiều biến số khó lường, có thể gây biến động mạnh theo cả hai chiều, đòi hỏi sự thận trọng trong quyết định giao dịch.
![]() |
VN-Index giảm hơn 10 điểm trong phiên ngày 31/3 |
VN-Index liệu có thủng mốc 1.300 điểm?
VN-Index ghi nhận 4 phiên giảm điểm liên tiếp sau thời gian giằng co ở vùng 1.330 điểm. Dù tâm lý thị trường hiện tại khá tiêu cực, ông Khang cho rằng VN-Index vẫn đang hình thành mặt bằng giá mới quanh mốc 1.300 điểm. Theo chuyên gia, khả năng chỉ số thủng ngưỡng hỗ trợ này là thấp, nếu có cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn trước khi phục hồi.
Trước đó, VN-Index đã có nhịp tăng mạnh trong tháng 2 và 3 khiến không ít nhà đầu tư chốt lời sớm tại vùng 1.290 điểm và chưa kịp mua lại. Do vậy, nếu thị trường điều chỉnh về vùng 1.280 - 1.290 điểm, lực cầu bắt đáy có thể gia tăng khi các chứng sĩ lỡ nhịp trong đợt tăng giá trước.
Bên cạnh đó, ông Khang cho rằng dòng tiền vẫn chưa rút khỏi thị trường mà chỉ luân chuyển giữa các nhóm ngành. Dù nhóm khu công nghiệp và hóa chất chịu áp lực điều chỉnh trong phiên 31/3, một số cổ phiếu ngân hàng như MBB, CTG, ACB vẫn duy trì sắc xanh, cho thấy sự dịch chuyển dòng vốn thay vì rút lui hoàn toàn.
“Trong tháng 4, tôi vẫn kỳ vọng VN-Index sẽ có một nhịp quay trở lại test lại vùng đỉnh cũ 1.340 điểm”, ông Khang đánh giá.
>> Gần 1,1 tỷ USD tiền ngoại tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Việt từ đầu năm 2025
Chứng khoán nâng hạng: Trang bị hành trang giúp doanh nghiệp thu hút dòng vốn ngoại
Vinamilk (VNM) mở rộng xuất khẩu sang 3 quốc gia mới, chiến lược ‘may đo’ phát huy hiệu quả