Vốn hoá thị trường ngân hàng 2023: Vietcombank giữ vững "ngôi vương", bất ngờ với sự thăng hạng của HDBank!
HDBank đạt mức tăng trưởng vốn hóa cao nhất ngành ngân hàng khi cổ phiếu lọt rổ Diamond và tăng giá mạnh. Ngôi vương vốn hóa ngành ngân hàng vẫn thuộc về Vietcombank.
10 nhà băng có vốn hoá lớn nhất gọi tên ai?
Dựa trên số liệu thống kê vốn hoá của 27 ngân hàng được niêm yết công khai trên sàn chứng khoán, cuối năm 2023, tổng vốn hoá thị trường đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, so với thời điểm thị trường “hưng phấn” vào cuối năm 2021, con số này vẫn còn kém mốc 1,9 triệu tỷ đồng.
Xét về tổng quy mô, tại thời điểm cuối năm 2023, TOP 10 cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất ngành là VCB (448,8 nghìn tỷ đồng), BID (247,4 nghìn tỷ đồng), VPB (152,3 nghìn tỷ đồng), CTG (145,5 nghìn tỷ đồng), TCB (112 nghìn tỷ đồng), MBB (97,2 nghìn tỷ đồng), ACB (92,8 nghìn tỷ đồng), SSB (59,6 nghìn tỷ đồng), HDB (58,7 nghìn tỷ đồng) và STB (52,7 nghìn tỷ đồng).
Đặc biệt, chỉ tính riêng nhóm 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất đã chiếm đến 82% tổng vốn hóa ngành ngân hàng.
Thế cờ có bị “lật ngược"?
So với năm 2022, xếp hạng nhóm 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất năm 2023 đã bị xáo trộn, trong khi Vietinbank và Sacombank thất bại trong việc giữ thứ hạng, VPBank và HDBank là 2 ngân hàng hiếm hoi tăng bậc trong bảng xếp hạng ngân hàng lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Thay đổi xếp hạng 10 mã cổ phiếu vốn hoá lớn nhất ngành ngân hàng |
Đáng chú ý, HDBank đã xuất sắc vượt qua Sacombank để giật lấy vị trí thứ 9.
Trong nhóm 10 ngân hàng có quy mô vốn hoá lớn nhất năm 2023, HDBank là ngân hàng có tỷ lệ thay đổi vốn hoá cao nhất, lên đến 46,4%, trong khi “ông lớn” Vietcombank chỉ tăng 18,5%. Cụ thể, vào thời điểm 30/12/2022, vốn hoá HDBank đạt 40 nghìn tỷ đồng, trong khi kết thúc năm 2023, con số này đã vượt lên đến 58,7 nghìn tỷ đồng.
Không quá khó đoán với kết quả này khi kết thúc năm 2023, với mức tăng thị giá hơn 54%, cổ phiếu HDB lọt nhóm 3 mã cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng thị giá cao nhất toàn ngành ngân hàng (dựa theo giá điều chỉnh). Đây cũng là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất rổ VN30, vượt trội so với các mã như VIB (+32,4%), ACB (+30,7%), MBB (+28,6%), TPB (+27,7%), BID (+26,7%),...
9 tháng đầu năm 2023, HDBank nâng cao kỳ vọng của nhà đầu tư bằng kết quả kinh doanh ấn tượng. Lũy kế 9 tháng, tổng thu nhập vượt 18.156 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ, trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 12,5% và thu nhập ngoài lãi tăng 14,1%. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.632 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ, trở thành một trong những ngân hàng hiếm hoi tăng trưởng trong bối cảnh thị trường khó khăn với ngành ngân hàng.
Ngoài HDBank, VPBank đã vượt qua ông lớn VietinBank để trở thành ngân hàng lớn thứ 3 thị trường, đồng thời cũng nới rộng khoảng cách với ngân hàng Techcombank trong cuộc đua ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra, 2 ngân hàng tăng vốn hoá mạnh nhất tiếp tục là Vietcombank và BIDV, mức tăng lần lượt là 70 nghìn tỷ đồng và 52 nghìn tỷ đồng.
Năm 2023 là năm “sáng” hơn với ngành ngân hàng về thay đổi vốn hoá thị trường. Cụ thể, có tới 20 ngân hàng ghi nhận tăng vốn hoá trong năm 2023, trong khi đó chỉ có 7 ngân hàng giảm vốn hoá. Con số này trái ngược với thời điểm cuối năm 2022, vốn hóa ngành ngân hàng giảm sâu khi có 25 tới ngân hàng giảm vốn hoá và chỉ có 2 “ông lớn” Vietcombank và BIDV ghi nhận kết quả tăng. Tính đến cuối năm 2023, vốn hoá nhóm ngành ngân hàng đã tăng 301,6 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 30/12/2022.
Sáng ngày 3/1, phát biểu tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Đào minh Tú cho biết, tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%, đạt khoảng 13,6 triệu tỷ. Mặc dù, kết quả trên thấp hơn con số kỳ vọng là 14 – 15% nhưng mức thấp hơn không nhiều.
"Mặc dù tăng 13,5%, nhưng trên nền số dư khoảng 12 triệu tỷ vào cuối năm 2023 thì chúng tôi đã đưa vào nền kinh tế gần 1,5 triệu tỷ đồng", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị; ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao. Trong nước, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm....
Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, ngày 17/01/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng năm 2023. Bên cạnh đó, NHNN đã nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Cập nhật diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng 4/1: Nhà đầu tư gom mạnh, hút gần 7.000 tỷ đồng
VN-Index vượt 1.150 điểm, cổ phiếu ngân hàng kéo thị trường 3 phiên liên tiếp