Liên quan đến việc tăng giá thuê mặt bằng tại Chợ siêu thị Đà Nẵng, chủ đầu tư đề xuất hai phương án, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất chợ sang đất thương mại dịch vụ, để chủ động kinh doanh.
Như VietNamNet đã đưa tin, do tiền thuê đất tăng 3,6 lần nên Công ty TNHH MTV Chợ siêu thị Đà Nẵng đã thông báo tăng giá thuê mặt bằng lên 40% và truy thu tiền tăng thêm từ tháng 6 đến tháng 9. Nếu tiểu thương nào không thực hiện, chủ đầu tư sẽ tiến hành cắt điện vào ngày 4/11.
Ngày 6/11, trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trần Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chợ siêu thị Đà Nẵng, cho biết, công ty đã gia hạn thời gian nộp tiền thuê mặt bằng đến ngày 15/11 trong thời gian chờ UBND TP giải quyết các kiến nghị, đề xuất của công ty liên quan đến phương án giá tại Chợ siêu thị Đà Nẵng.
“Hiện mới chỉ 50% tiểu thương đóng tiền thuê mặt bằng tháng 10. Chúng tôi đã gia hạn thêm thời gian nộp tiền cho tiểu thương. Sau ngày 15/11, nếu tiểu thương vẫn không nộp tiền thì công ty buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ, đơn phương chấm dứt hợp đồng”, ông Trần Thanh Hoàng cho hay.
Theo ông Hoàng, tại cuộc họp giữa doanh nghiệp và UBND TP, do Phó chủ tịch Hồ Kỳ Minh chủ trì vào ngày 2/11, lãnh đạo TP đã ghi nhận những ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến phương án giá tại Chợ siêu thị nhưng cả hai bên vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết.
Công ty đề xuất giá thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ tối đa là 681.000 đồng/m2/tháng, giá bình quân 361.000 đồng/m2/tháng. Với mức giá tối đa như đề xuất, mỗi tháng công ty lãi gần 39 triệu đồng, mỗi năm gần 475 triệu đồng.
Ông Hoàng thông tin, với phương án như Sở Tài chính dự thảo mức giá tối đa là 393.000 đồng/m2/tháng, giá bình quân là 218.000 đồng/m2/tháng thì mỗi tháng công ty lỗ hơn 121 triệu đồng, tương ứng 1,5 tỷ/năm và chu kỳ 5 năm lỗ 7,2 tỷ đồng.
Ông Hoàng cho rằng, việc Sở Tài chính dựa vào số liệu kết quả kinh doanh ba năm 2020, 2021, 2022 để áp đặt cho công ty là không hợp lý và công ty không chấp thuận cách tính này. Bởi, đó là lợi nhuận gồm cả phần kinh doanh thương mại dịch vụ chứ không chỉ riêng chợ.
“Nếu tách riêng phần lợi nhuận thương mại dịch vụ và kinh doanh chợ truyền thống thì phần kinh doanh bình quân 3 năm của chợ lỗ 100%”, ông Hoàng khẳng định.
Do đó, công ty kiến nghị 2 phương án để UBND TP Đà Nẵng xem xét.
Phương án 1, công ty đồng ý tỷ với lệ lợi nhuận 11,35% như Sở Tài chính thẩm định thì giá tối đa phải là 505.000 đồng/m2/tháng, giá bình quân 281.000 đồng/m2/tháng (không bao gồm tiền điện, nước, tiền trông coi hàng hoá, vệ sinh).
Phương án 2, công ty đồng ý với giá dự thảo tối đa là 393.000 đồng/m2/tháng nhưng được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất chợ sang đất thương mại dịch vụ, để chủ động kinh doanh khai thác hết vị trí còn lại nằm bù đắp khoản lỗ này (lỗ 1,5 tỷ/năm).
“Chúng tôi cũng như tiểu thương đang rất mong chờ TP có ý kiến để giải quyết được vấn đề giá thuê mặt bằng tại Chợ siêu thị Đà Nẵng”, ông Hoàng bày tỏ.
Trước đó, chủ đầu tư Chợ siêu thị Đà Nẵng đã điều chỉnh tăng giá thuê mặt bằng lên 40% khiến 500 tiểu thương có nguy cơ phải rời bỏ chợ do không thể kham nổi. Lý do của việc điều chỉnh giá thuê mặt bằng, theo chủ đầu tư, là bởi giá thuê đất theo chu kỳ mới tăng đột biến, từ 583 triệu lên 2,12 tỷ đồng.
Chủ đầu tư đã lập phương án giá thuê mặt bằng trình Sở Tài chính Đà Nẵng với mức giá tối đa là 681.000 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, cơ quan này ban hành giá dự thảo tối đa là 393.000 đồng/m2/tháng. Với mức giá như dự thảo, công ty sẽ không đủ kinh phí hoạt động và phải đóng cửa chợ từ 1/12/2023.
Hơn 4,5 tỷ USD vốn FDI 'chảy' về thành phố đáng sống nhất Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Văn hóa: Vé 'Anh trai vượt ngàn chông gai' 8 triệu mua không được