Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2022 nhờ giá bán tăng cao và tận dụng tốt cơ hội của thị trường. Tuy nhiên trong quý II, mức tăng trưởng này được dự báo sẽ chậm lại.
Trong quý I/2022, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã xuất khẩu kỷ lục 474.268 tấn phân bón các loại, giá trị thu về 307 triệu USD - tăng mạnh 42,2% về lượng và tăng gấp 3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, chỉ sau 3 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã bằng hơn một nửa so với giá trị xuất khẩu 559 triệu USD của cả năm 2021. Có được kết quả ấn tượng này là nhờ giá xuất khẩu phân bón tăng gấp 2 lần cùng kỳ lên mức trung bình 647 USD/tấn.
Điều này báo hiệu một năm thắng lợi lớn tiếp theo của các doanh nghiệp ngành phân bón sau khi gặt hái nhiều thành công trong năm 2021.
Thực tế cho thấy, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành phân bón như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc... đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý I năm nay nhờ giá bán tăng cao và tận dụng tốt cơ hội của thị trường.
Xem thêm bài viết: Cập nhật KQKD nhóm doanh nghiệp phân bón quý I/2022
Mặc dù ghi nhận diễn biến tích cực về kết quả kinh doanh quý I/2022 song trong báo cáo mới đây, CTCK KIS Việt Nam lại cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp phân bón có thể sẽ chậm lại.
Cụ thể, theo KIS, tỷ suất lợi nhuận gộp toàn ngành đạt đỉnh mới trong quý I/2022 tại mức 31,7%. Nếu giá phân bón có xu hướng giảm trong những tháng tiếp theo cùng với tốc độ tăng phi mã của giá nhiên liệu do căng thẳng chính trị toàn cầu, tỷ suất LNG của ngành phân bón trong các quý tiếp theo có thể giảm sau khi đạt đỉnh trong quý I/2022. Tuy nhiên, KIS vẫn đánh giá cao ngành phân bón với những kết quả hứa hẹn sẽ đạt được trong quý II so với cùng kỳ 2021.
KIS nhận định, từ quý II/22, nước ta bước vào vụ Hè - Thu, nhu cầu phân bón nội địa được dự báo tăng cao. Do đó các công ty phân bón sẽ khó lòng đẩy mạnh xuất khẩu do phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước. Mặc dù vậy, KIS cho rằng các công ty có thể phục hồi sản lượng xuất khẩu trong giai đoạn từ cuối quý 3 đến đầu quý 4/22 khi vụ Hè - Thu bước vào giai đoạn thu hoạch.
KIS cân nhắc tác động của việc áp thuế xuất khẩu 5% lên mặt hàng phân bón từ Bộ Tài chính. Tuy nhiên, mức thuế 5% có thể không đáng kể đối với các đơn vị xuất khẩu, do các công ty này có thể đạt được một khoảng "hậu hĩnh" nhờ đơn giá xuất khẩu ở mức cao so với giá bán trong nước.
Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ phân bón nội địa tăng trong vụ Hè-Thu (diễn ra vào khoảng tháng 4 - tháng 9 hàng năm) sắp đến có thể bù đắp phần thiếu hụt doanh thu do hạn chế xuất khẩu. KIS nhấn mạnh, DPM và DCM sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu trong quý II/2022.
Nếu không có đóng góp từ doanh thu xuất khẩu, cộng thêm tác động từ biên LNG thu hẹp, KIS lo ngại tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng có thể giảm dần trong quý II/2022 mặc dù kết quả vẫn khả quan so với cùng kỳ năm trước.
Đạm Phú Mỹ (DPM) có thể điều chỉnh giá bán ure do giá khí tự nhiên tăng cao
‘Làn sóng VAT’ sẽ thúc đẩy cổ phiếu đầu ngành phân bón tăng gần 20%