Vụ Vạn Thịnh Phát: Cách Setra chuyển lỗ sang lãi để đủ điều kiện phát hành trái phiếu
Báo cáo tài chính của Công ty Setra năm 2019 thể hiện đang bị lỗ, không đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Ngày 23/9, TAND TP. HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Theo thông tin từ Báo Pháp Luật TP. HCM, phiên tòa tiếp tục xét hỏi đối với nhóm các bị cáo thuộc các công ty phát hành trái phiếu trong đó có các bị cáo thuộc gói 2.000 tỷ đồng do Công ty Setra phát hành.
Trả lời HĐXX, bị cáo Trịnh Quang Công (Tổng Giám đốc Công ty Acumen) thừa nhận hành vi phạm tội và cho biết nhận chủ trương phát hành gói trái phiếu 2.000 tỷ đồng và chọn Setra là đơn vị phát hành từ Trương Khánh Hoàng (Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB).
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính của Công ty Setra năm 2019 thể hiện đang bị lỗ (không đủ điều kiện phát hành trái phiếu), Trịnh Quang Công đã chỉ đạo để xử lý báo cáo tài chính năm 2019 nhằm được kiểm toán có ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành.
Bị cáo Trịnh Quang Công tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Cụ thể, bị cáo Công khai đã trao đổi với Trần Văn Tuấn (Tổng Giám đốc Công ty Setra) và Trần Thị Lan Chi (kế toán trưởng Công ty Setra) làm thủ tục thoái toàn bộ vốn của Công ty Setra tại Công ty Khang Thành Phú thông qua các hợp đồng chuyển nhượng vốn “khống” và ghi lùi ngày để báo cáo tài chính năm 2019 của Setra chuyển từ lỗ sang lãi. Sau đó cung cấp hợp đồng và báo cáo tài chính năm 2019 đã điều chỉnh cho các kiểm toán viên Công ty kiểm toán A&C để phát hành báo cáo kiểm toán độc lập với ý kiến chấp nhận toàn phần từ đó giúp cho Công ty Setra đủ điều kiện về năng lực tài chính phát hành trái phiếu năm 2020.
Khai trước tòa về việc “bùa phép” báo cáo tài chính của Công ty Setra, cả hai bị cáo Trần Văn Tuấn và Trần Thị Lan Chi đều cho biết không đồng ý với một phần nội dung trong cáo trạng. Hai bị cáo này phủ nhận việc lập hồ sơ thoái vốn Công ty Setra tại Công ty Khang Thành Phú và cho biết hồ sơ thoái vốn này được Văn phòng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập rồi chuyển qua để ký chứ không trực tiếp làm hồ sơ thoái vốn.
“Bị cáo được Trịnh Quang Công báo Công ty Setra là đơn vị phát hành trái phiếu và được yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý, còn lại không biết kế hoạch cụ thể phát hành trái phiếu như thế nào, nhà đầu tư nào sẽ mua trái phiếu...” - bị cáo Tuấn khai.
Tương tự bị cáo Trần Thị Lan Chi cũng xác nhận năm 2019 báo cáo tài chính của Công ty Setra thể hiện bị lỗ và thực hiện điều chỉnh báo cáo tài chính theo chỉ đạo của cấp trên. Bị cáo này ân hận về hành vi của mình thực hiện và xin được HĐXX xem xét giảm nhẹ vì bản thân chỉ là người làm công ăn lương.
Theo cáo trạng, sau khi hoàn tất thủ tục để Công ty Setra đủ điều kiện phát hành trái phiếu, Trần Văn Tuấn và ông Nguyễn Văn Phong Vân (được thuê đứng tên) đại diện Công ty Điền Gia Cát ký kết 20 Hợp đồng đặt mua trái phiếu để Công ty Điền Gia Cát mua sơ cấp toàn bộ 20 triệu trái phiếu của Công ty Setra với tổng số tiền 2.000 tỷ đồng.
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Vì sao luật sư yêu cầu triệu tập 3 cơ quan Nhà nước?
Vụ Vạn Thịnh Phát: Hai cựu lãnh đạo SCB 'đau xót' khi lừa bán trái phiếu cho chính người thân
Vụ Vạn Thịnh Phát: Vì sao luật sư yêu cầu triệu tập 3 cơ quan Nhà nước?