Vụ Vạn Thịnh Phát: Vì sao luật sư yêu cầu triệu tập 3 cơ quan Nhà nước?
Cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến các giao dịch chuyển tiền quốc tế.
Chiều ngày 19/9, Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa sơ thẩm đại án Vạn Thịnh Phát, giai đoạn 2 đã cho đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng. Trả lời HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan khai nhận sinh ra và cư trú tại TP. HCM; có chồng là Chu Lập Cơ, cũng là bị cáo trong vụ án này. Bà Lan và ông Cơ có 2 con chung.
Trước khi xảy ra vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan chưa có tiền án, tiền sự. Trong giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan nhận mức án tử hình chung cho các tội: "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Tham ô tài sản" và "Đưa hối lộ".
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử ngày 19/9 |
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Hai cựu lãnh đạo SCB 'đau xót' khi lừa bán trái phiếu cho chính người thân
Luật sư đề nghị triệu tập 3 cơ quan Nhà nước
Theo thông tin từ Báo Tiền Phong, tham gia phiên tòa, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan) cho rằng cáo trạng có nêu nguyên nhân, bối cảnh phạm tội của các bị cáo có liên quan một số cơ quan Nhà nước, nên luật sư đề nghị hội đồng xét xử triệu tập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính), Cục Phòng chống rửa tiền và Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước).
Về đề nghị trên, HĐXX cho biết đã xác định các cơ quan trên là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án nên đã triệu tập, nhưng những tổ chức này vắng mặt. Trong trường hợp cần thiết, hội đồng xét xử sẽ tiếp tục triệu tập 3 cơ quan này đến tòa.
Theo hồ sơ, quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng đã xác minh, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến các giao dịch chuyển tiền quốc tế. Cụ thể từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/10/2022, Ngân hàng SCB đã thực hiện báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền 3.160 file báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử, giao dịch từ 1.000 USD (hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương) bằng hình thức điện tử.
Trong đó có 313.705 báo cáo giao dịch chuyển đi, nhận về với tổng số tiền hơn 22,2 tỷ USD và 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Hàng trăm bất động sản của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị kê biên
Trước thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7/10/2022), 148 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam đều không thuộc diện liên quan đến hoạt động rửa tiền. Do đó, Cục Phòng chống rửa tiền không có cơ sở để xác định trong 313.705 giao dịch chuyển tiền trên có liên quan đến hoạt động rửa tiền, vận chuyển tiền trái phép.
Đối với 151 báo cáo giao dịch đáng ngờ thì không có danh sách 148 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển và nhận tiền, nên Cục Phòng chống rửa tiền không có cơ sở để phân tích, nghi ngờ đối với việc chuyển tiền của nhóm các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát.
Còn Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) chỉ có nhiệm vụ thống kê, theo dõi số liệu trên cơ sở số liệu báo cáo tổng hợp của từng ngân hàng, mà không có số liệu giao dịch của từng tổ chức hay cá nhân cụ thể. Quá trình theo dõi số liệu tổng hợp của Ngân hàng SCB cung cấp, Vụ Quản lý ngoại hối không có cơ sở để phát hiện sự bất thường đối với số liệu tổng hợp về tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Như vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục Phòng chống rửa tiền và Vụ Quản lý ngoại hối trong việc các đối tượng tại các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB làm trái quy định về việc chuyển tiền quốc tế.
>> Thuộc cấp của bà Trương Mỹ Lan không ngờ lượng người mua trái phiếu lớn như vậy