Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu Tổng Giám đốc SCB nghẹn ngào 'nhân viên ngân hàng cũng không còn gì cả'
Trong vụ Vạn Thịnh Phát, 46 cán bộ, nhân viên của Ngân hàng SCB thoát lao lý vì không biết chủ trương phát hành trái phiếu là trái luật.
Chiều 24/9, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.HCM, Hội đồng xét xử đã thẩm vấn bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 28 đồng phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Các bị cáo đều thừa nhận tội danh như cáo trạng đã nêu, đồng thời đưa ra các nguyên nhân, động cơ và tình tiết giảm nhẹ để xin giảm án.
Trong phiên tòa, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, đã trả lời các câu hỏi liên quan đến gói trái phiếu không có tài sản đảm bảo.
Bị cáo khẳng định thông tin về gói trái phiếu được công khai và phát hành riêng lẻ, do đó không niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Khi được hỏi về việc nhân viên SCB bị cáo buộc không tư vấn rõ ràng, thậm chí tự ý chuyển tiền tiết kiệm của khách hàng thành trái phiếu, Văn bày tỏ sự đồng cảm với sự bức xúc của khách hàng.
Tuy nhiên, bị cáo Văn giãi bày, gói trái phiếu được cấu trúc từ 5 năm thành hàng năm, tức từ việc khách hàng mua trái phiếu 5 năm mới nhận được lãi, chuyển thành nhận lãi hàng năm.
Về lý do SCB là tổ chức tín dụng, nhưng khi khách hàng có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm lại được tư vấn mua trái phiếu, bị cáo Văn cho biết mỗi giai đoạn nhu cầu của ngân hàng khác nhau, việc làm của nhân viên sẽ giúp cho khách hàng có thêm sự lựa chọn, lợi nhuận tốt hơn.
Bị cáo Văn nghẹn ngào khi đề cập đến trách nhiệm liên đới bồi thường mà các bị hại yêu cầu: "Bị cáo rất đau xót về thiệt hại trước mắt, xin các trái chủ cho thêm thời gian để sự việc được giải quyết ổn thỏa, những nhân viên SCB cũng không còn gì cả".
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, nguồn: Internet |
>>Bà Trương Mỹ Lan: Vạn Thịnh Phát có thể phát hành 200.000 tỷ đồng trái phiếu, nhưng không làm
Ngoài bị cáo Văn và 28 đồng phạm, cơ quan điều tra xác định còn 46 cán bộ, nhân viên của SCB có liên quan đến hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trái phiếu" nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, các nhân viên sale của SCB đã được đào tạo để bán sản phẩm trái phiếu do Trần Thị Minh Thảo, cựu Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ của SCB, phụ trách.
Tuy nhiên, Thảo khẳng định mình không biết chủ trương phát hành trái phiếu trái pháp luật của Trương Mỹ Lan và chỉ thực hiện theo quy trình bán hàng thông thường.
Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng 45 nhân viên của SCB đã thực hiện ký khống chứng từ theo chỉ đạo mà không biết về sự vi phạm pháp luật liên quan đến việc phát hành trái phiếu.
Những cá nhân này đều là người làm công ăn lương, không hưởng lợi từ hành vi phạm tội và đã hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, do đó không bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, 115 cá nhân được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuê để tạo lập dòng tiền khống cho 4 công ty phát hành trái phiếu gồm An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì không biết về sự vi phạm pháp luật.
>> CEO Vạn Thịnh Phát muốn dùng tiền lương 30 năm để khắc phục hậu quả