Doanh nghiệp

Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Kê biên, ngăn chặn tài sản của 3 người đã chết

Thanh Phương 21/09/2024 07:40

Liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, có 3 người đã chết nên cơ quan điều tra đình chỉ hoặc không khởi tố bị can nhưng tài sản của họ vẫn bị kê biên.

TAND TPHCM đang xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Ngoài 34 bị cáo đang bị xét xử còn có 3 người đã chết nên cơ quan điều tra đình chỉ hoặc không khởi tố bị can. Tuy nhiên, tài sản của họ vẫn bị kê biên để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.

Người thứ nhất là bà Nguyễn Phương Hồng (cựu thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB kiêm Giám đốc chi nhánh Sài Gòn). Bà Hồng được xác định tham gia họp bàn chủ trương cùng bị cáo Trương Mỹ Lan và các nhân sự chủ chốt của SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt - TVSI và các công ty để lên phương án phát hành trái phiếu; điều phối dòng tiền; quản lý, theo dõi, sử dụng tiền thu được từ nguồn trái phiếu.

Dưới sự trợ giúp của bà Hồng, bị cáo Lan và đồng phạm đã phát hành 25 gói trái phiếu khống của 4 công ty: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra, từ đó giúp bị cáo Lan chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.

W-bicao.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại tòa. Ảnh: Nguyễn Huế

Hành vi của bà Hồng được cơ quan điều tra xác định là đồng phạm với bà Lan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 9/10/2022, bà Hồng tử vong nên cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ bị can.

Người thứ 2 là ông Nguyễn Tiến Thành (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TVSI), được xác định tham gia 3 cuộc họp bàn chủ trương phát hành trái phiếu. Ông Thành cũng trực tiếp ấn định thông tin, chỉ đạo, điều hành các nhân viên Phòng dịch vụ ngân hàng (thuộc TVSI phía Nam) thực hiện quy trình tư vấn, phát hành trái phiếu cho 4 công ty trên.

Người cuối cùng là ông Nguyễn Ngọc Dương (cựu Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn Sài Gòn Peninsula và Công ty VIPD). Theo kết quả điều tra, ông Dương đã ký hợp đồng mua 2 gói trái phiếu do Công ty An Đông phát hành trị giá 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông này còn chỉ đạo nhân viên ở các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tìm, thuê người đứng tên thành lập công ty, cổ phần, khoản vay, ký khống chứng từ, tài liệu… phục vụ cho hoạt động phạm pháp.

Hành vi của ông Thành và Dương đã giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu của các công ty trên, chiếm đoạt số tiền 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do 2 ông này đã chết nên cơ quan điều tra không khởi tố bị can.

Dù 3 người này đã chết nhưng để đảm bảo khắc phục hậu quả của vụ án, cơ quan điều tra đã áp dụng các biện pháp đối với các tài sản của họ.

Theo đó, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản 2,5 triệu cổ phần tại TVSI; thu giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại quận 4 (TPHCM); ngăn chặn giao dịch số dư hơn 85 triệu đồng trong tài khoản của bà Hồng.

Cơ quan điều tra cũng ngăn chặn giao dịch hơn 8,7 triệu cổ phần TVSI; ngăn chặn giao dịch tổng số dư hơn 386 triệu đồng trong 2 tài khoản của ông Thành.

Đối với ông Dương, cơ quan điều tra ngăn chặn giao dịch số dư hơn 9,1 tỷ đồng trong 3 tài khoản của ông này mở tại SCB, ngăn chặn giao dịch tổng số dư hơn 50,5 tỷ đồng trong các tài khoản của con trai ông mở tại SCB.

Ngoài ra, sau khi ông Dương chết, Công an quận 4 (TPHCM) đã thu giữ 216 miếng kim loại màu vàng, 6 sổ tiết kiệm ngân hàng trị giá 132 tỷ đồng, giấy tờ liên quan 3 nhà đất tại TPHCM và Long An cùng 100 triệu đồng tiền mặt.

Công viên lớn nhất TP. HCM, rộng gấp 27 lần Thảo Cầm Viên 20 năm không một bóng người

Tỉnh giàu có của Việt Nam sắp đưa một huyện sát vách TP. HCM lên thành phố

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vu-van-thinh-phat-giai-doan-2-ke-bien-ngan-chan-tai-san-cua-3-nguoi-da-chet-2324365.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Kê biên, ngăn chặn tài sản của 3 người đã chết
    POWERED BY ONECMS & INTECH