Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 70 lượt đề xuất đưa SCB vào diện kiểm soát bị khước từ, nhóm lãnh đạo NHNN TP. HCM gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng

29-02-2024 11:37|Lan Phương

Theo bản án vụ Vạn Thịnh Phát, quá trình thực hiện giám sát, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM và 4 cá nhân có liên quan đã nhận tiền, quà biếu của SCB vào các dịp lễ, Tết (hơn 4,2 tỷ đồng và 15.000 USD).

Tới đây, ngày 5/3/2024, TAND TP. HCM sẽ mở phiên tòa xét xử vụ đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB). Trong vụ án, bị can Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm bị VKSND tối cao truy tố về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong đó, nhóm lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm : Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM; Võ Văn Thuần, Nguyễn Thị Phi Loan và Phan Tấn Trung (cùng là Phó Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM); Nguyễn Tín (Tổ trưởng Tổ giám sát).

Theo hồ sơ vụ án, hành vi của các cá nhân trên liên quan đến 4 tổ giám sát Ngân hàng SCB giai đoạn 2016-2022; việc thẩm định kế hoạch tái cơ cấu SCB 2015-2019 và Đoàn thanh tra SCB năm 2022.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định, các quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước về công tác thanh tra, giám sát đối với SCB sẽ có 4 biện pháp. Tuy nhiên, từ năm 2016 - tháng 9/2022, Cục II và NHNN chi nhánh TP. HCM đã không triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất đối với SCB.

2 đơn vị trên chỉ triển khai các biện pháp giám sát an toàn vi mô quy định của pháp luật và biện pháp giám sát qua báo cáo của SCB, thông qua việc thành lập các Tổ giám sát.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 70 lượt đề xuất đưa SCB vào diện kiểm soát bị ‘khước từ’, nhóm lãnh đạo NHNN TPHCM gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. HCM đã để Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi trái pháp luật khiến SCB mất thanh khoản hoàn toàn số tiền 677.286 tỷ đồng

Quá trình thực hiện biện pháp giám sát qua báo cáo, khi xét thấy rủi ro, dấu hiệu vi phạm pháp luật, Tổ giám sát đề xuất Lãnh đạo Cục II hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM kiểm tra/thanh tra đối với SCB.

Trong quá trình giám sát từ năm 2016 - 9/2022, Tổ giám sát đã có hơn 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về nội dung trên, đề xuất đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được lãnh đạo thanh tra giám sát NHNN chi nhánh TP. HCM chấp thuận.

Theo hồ sơ vụ án, 5 bị can trên đã ngăn chặn, cản trở việc báo cáo hoặc báo cáo không trung thực các hành vi sai phạm và thực trạng tài chính rất xấu của SCB lên Ngân hàng Nhà nước. Các bị can cũng không kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện; không kiến nghị Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước thanh tra pháp nhân SCB để kịp thời xử lý các sai phạm; thu hẹp phạm vi thanh tra không đúng với đề xuất của tổ giám sát, cố ý làm trái với ý kiến chỉ đạo của NHNN và Cơ quan thanh tra giám sát.

Tại cuộc họp ngày 16/2/2022, ông Dũng đã chỉ đạo, kết luận: "Do nguồn nhân lực của thanh tra giám sát có số lượng rất hạn chế, khối lượng công việc rất lớn, thời gian yêu cầu xử lý nhanh chóng. Vì vậy, qua các nội dung nêu trên việc thực hiện thanh tra toàn bộ khách hàng là không thể thực hiện được do đó khi thanh tra cần xác định, lựa chọn khách hàng có trọng tâm…".

Quá trình thực hiện giám sát, các cá nhân trên đã nhận tiền, quà biếu của SCB vào các dịp lễ, Tết. Theo đó, ông Dũng nhận 400 triệu đồng, 15.000 USD, ông Nguyễn Văn Thuần nhận 1,8 tỷ đồng, ông Phan Tấn Trung nhận 1,1 tỷ đồng, Nguyễn Thị Phi Loan nhận 470 triệu và Nguyễn Tín nhận 500 triệu đồng.

Theo cáo trạng, những sai phạm trên của ông Dũng và đồng phạm đã để nhóm Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi trái pháp luật khiến SCB mất thanh khoản hoàn toàn số tiền 677.286 tỷ đồng.

Trong đó, ông Dũng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại số tiền số tiền 606.460 tỷ đồng (nợ gốc là 452.415 tỷ đồng và lãi 154.044 tỷ đồng). Những người còn lại bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB số tiền từ 216.225 tỷ đồng - 605.356 tỷ đồng.

>> Doanh nghiệp bất động sản liên quan đến Vạn Thịnh Phát báo lỗ 5.573 tỷ, chậm trả hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu

Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 29/2

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Chạy dòng tiền ‘khống’, tạo lập giá trị cổ phiếu ‘ảo’

CEO Vingroup Nguyễn Việt Quang chia sẻ về VIC, VHM, VRE, VinFast tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-van-thinh-phat-hon-70-luot-de-xuat-dua-scb-vao-dien-kiem-soat-bi-khuoc-tu-nhom-lanh-dao-nhnn-tphcm-gay-thiet-hai-hang-tram-nghin-ty-dong-224668.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 70 lượt đề xuất đưa SCB vào diện kiểm soát bị khước từ, nhóm lãnh đạo NHNN TP. HCM gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng
POWERED BY ONECMS & INTECH