'Vượt nắng thắng mưa', siêu sân bay lớn nhất Việt Nam đã sẵn sàng bay hiệu chuẩn
Đến thời điểm hiện tại, hạng mục được xem như "xương sống" của siêu sân bay này đã thông điện và sáng đèn, sẵn sàng bay hiệu chuẩn.
Hạng mục đường cất hạ cánh số 1 sân bay Long Thành được thiết kế có chiều dài 4km, bề rộng 70m, có thể tiếp nhận các tàu bay tiên tiến nhất hiện nay.
Đây được xem là một trong những hạng mục "xương sống" của dự án, thuộc gói thầu 4.6. Ngoài đường cất hạ cánh còn có đường lăn, đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh, sân đỗ tàu bay, sân đỗ các phương tiện phục vụ mặt đất với tổng giá trị gói thầu là hơn 7.000 tỷ đồng.
Ghi nhận mới nhất trên Tạp chí Tri Thức, những ngày đầu tháng 5, hạng mục cất hạ cánh hiện đã thi công hoàn thành và nhiều hạng mục khác của của gói thầu 4.6 như sân bay, sân đỗ các phương tiện phục vụ mặt đất hiện đang được triển khai thi công.

Hiện nay hệ thống đèn hiệu đã được lắp đặt hoàn thành trên đường cất hạ cánh. Hệ thống này sử dụng công nghệ LED 100% nhập khẩu từ châu Âu, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực hàng không quốc tế.
Ngoài ra, siêu sân bay Long Thành còn được trang bị hệ thống thiết bị dẫn đường hạ cánh chính xác ILS/DME - giúp hướng dẫn máy bay tiếp cận và hạ cánh an toàn kể cả trong hoàn cảnh điều kiện thời tiết xấu.
Khi hai hệ thống này được kết hợp đồng bộ sẽ giúp đảm bảo quá trình cất và hạ cánh diễn ra an toàn, chính xác tuyệt đối trong mọi điều kiện thời tiết, giúp nâng cao năng lực khai thác và tính ổn định cho sân bay.

Trong một diễn biến khác, hạng mục thi công hệ thống thoát nước và hầm kỹ thuật có tổng chiều dài hơn 22km cũng được các nhà thầu tập trung triển khai khẩn trương với nhân lực, máy móc, thiết bị được huy động tối đa.
Hạng mục hệ thống thoát nước và hầm kỹ thuật được xem là hạng mục hạ tầng quan trọng, đóng vai trò hoàn thiện đồng bộ dự án. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025.
Cùng với đường cất hạ cánh, việc xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành hiện cũng đang được triển khai thần tốc với nhân công và thiết bị huy động 3 ca xuyên ngày đêm.
Hạng mục nhà ga hành khách sân bay Long Thành hiện cũng đã hoàn thành kết cấu bê tông cốt thép phần ngầm và các tần, hiện đang lắp đặt kết cấu thép, dựng vách kính và thiết bị.

Hạng mục được xem như "bộ não" của sân bay chính là đài kiểm soát không lưu hiện cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Được thiết kế theo ý tưởng hình búp sen với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng. Đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành có màu sắc và kết cấu kiến trúc hài hòa với nhà ga hành khách và các công trình xung quanh.
Theo ghi nhận mới nhất phần bê tông cốt thép của đài kiểm soát không lưu - hạng mục được xem như "bộ não" của siêu sân bay đến nay đã hoàn thiện đến cao độ 107,880m trên tổng số 123,050m. Song song đó, các đơn vị thi công đang triển khai lắp đặt kết cấu thép mở rộng cho tầng 20 của tháp điều hành bay.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
Với tiến độ triển khai thi công "thần tốc" trên tinh thần "vượt nắng thắng mưa, không thua bão gió", sân bay Long Thành giai đoạn 1 hiện đang được triển khai các thủ tục để đưa vào khai thác.