Xem xét thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi vào tuần tới
Chủ tịch Quốc hội cho biết dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cơ bản đã hoàn thiện, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường trong tuần tới.
Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệcho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 29 là phiên họp thường kỳ đầu tiên trong năm 2024 với nội dung trọng tâm là cho ý kiến các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc ngày 15/1.
Liên quan đến dự án Luật Đất đai(sửa đổi), ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án luật này hết sức quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, tác động đến mọi tầng lớn Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cả trước mắt và lâu dài.
>>Triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV bàn về Luật Đất đai (sửa đổi)
Theo Chủ tịch Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, xin ý kiến nhiều vòng, nhiều lần, Ủy ban Thường vụ cũng cho ý kiến 5 lần chính thức và kết luận bằng văn bản, chưa kể rất nhiều lần Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng họp với các cơ quan liên quan...
"Đến nay, cơ bản dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được hoàn thiện, đã thể chế hoá và bao quát được tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương, bám sát Hiến pháp, cương lĩnh của Đảng và pháp luật hiện hành", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Trong khuôn khổ phiên họp thứ 29, ông Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, nhất là những vấn đề về thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở thương mại, dịch vụ, các phương pháp định giá đất, dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư...
"Chúng ta cho ý kiến thêm hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây cũng là dự án luật quan trọng, đã được thảo luận qua 2 kỳ họp Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội cũng cho ý kiến nhiều lần.
Để đồng bộ với các dự án luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tái cơ cấu tổ chức tín dụng, ngân hàng thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện thêm về các quy định can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt. Bên cạnh đó là các quy định về quản lý tập đoàn tài chính, sở hữu chéo, quy định chuyển tiếp, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm…
>>Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phấn đấu năm 2024 hoàn thành ít nhất 130.000 căn nhà ở xã hội
Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung thứ ba tại phiên họp là Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Về xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương có giải thích, còn lại giao cho cơ quan nào chủ trì thẩm tra và hồ sơ thế nào thì thực hiện theo luật, hiện nay chưa có dự thảo nội dung này, cần có thêm thời gian để chuẩn bị.
Nội dung tiếp theo được Chủ tịch Quốc hội đề cập là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét công tác nhân sự về đại biểu theo thẩm quyền.
>>HoREA đề nghị không đấu thầu dự án với đất chưa giải phóng mặt bằng
Triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV bàn về Luật Đất đai (sửa đổi)
Dự án điện mặt trời mới đầu tư của thủy sản IDI vi phạm luật đất đai