Vĩ mô

Xem xét trách nhiệm đơn vị làm tăng vốn đầu tư dự án giao thông

LS 06/11/2023 - 16:48

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc xem xét trách nhiệm để tăng vốn trong một số dự án đầu tư xây dựng giao thông.

Xem xét trách nhiệm đơn vị làm tăng vốn đầu tư dự án giao thông - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 06/11 - Ảnh: VGP

Chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Lê Hoàng Anh (Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) nêu thực trạng nhiều dự án giao thông trọng điểm phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, cho thấy việc chuẩn bị không chính xác. Trong khi đó, hồ sơ trình đều báo cáo là đã "chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, khoa học", có cả phương án dự phòng.

"Vậy trách nhiệm trong việc trình dự án không chính xác để kéo dài thời gian, điều chỉnh vốn đầu tư thuộc về ai?", ông Lê Hoàng Anh chất vấn.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, về cơ bản các dự án triển khai tốt, không tăng tổng mức đầu tư hoặc nếu có thì vẫn ít. Chỉ có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có ba dự án tăng tổng đầu tư tương đối cao là cầu Rạch Miễu 2, đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, Mỹ An - Cao Lãnh.

Nguyên nhân là thời gian triển khai ba dự án này đúng vào lúc dịch COVID-19 (2020-2021) bùng phát, dẫn đến công tác khảo sát chưa được triệt để. "Nguyên nhân chính là đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng. Khi khảo sát một đơn giá nhưng khi triển khai chính thức lại đơn giá khác", Bộ trưởng Thắng nói.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã chỉ đạo các đơn vị thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc xem xét trách nhiệm trong việc này. Nhà thầu cũng bị chế tài xử phạt; Ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm. "Chúng tôi đang trong quá trình triển khai xử lý trách nhiệm, cả phạt tiền và xử lý hạn chế cho tham gia thầu các dự án khác", Bộ trưởng Thắng nói.

Chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) cho biết tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, ông đã nêu vấn đề "tại sao nhiều tuyến đường cao tốc hoàn thành, đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80 km/giờ, như vậy là chưa tối ưu vận tải và thời gian lưu thông".

"Đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian tới có điều chỉnh tốc độ trên đường cao tốc để giảm áp lực lưu thông, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A hay không", đại biểu Minh đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế cao tốc với 4 giới hạn tốc độ, 120-80-60-40 km/h. Tiêu chuẩn này phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật. Nếu tuyến đường được đầu tư đồng bộ thì tốc độ có thể lên tới 120 km/h như Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Móng Cái, Cầu Giẽ - Ninh Bình; hoặc tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ 100 km/h.

"Bộ đã rà soát tiêu chuẩn và thấy rằng các tuyến 80 km/h có thể nâng lên 90 km/h. Dự kiến đầu năm 2024, Bộ sẽ thay đổi tốc độ giới hạn tối đa các tuyến cao tốc từ 80 lên 90 km/h", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

‘Ông lớn’ ngỏ ý hợp tác với Việt Nam phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Sở hữu nhiều công nghệ cao, từng hỗ trợ hàng loạt dự án giao thông tại Philippines

‘Ông lớn’ được Việt Nam đề nghị giúp làm đường sắt đô thị: Điều hành mạng lưới 14 tuyến đường sắt tại Nhật Bản, từng hỗ trợ dự án giao thông tại Thái Lan

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/xem-xet-trach-nhiem-don-vi-lam-tang-von-dau-tu-du-an-giao-thong-102231106163352446.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Xem xét trách nhiệm đơn vị làm tăng vốn đầu tư dự án giao thông
    POWERED BY ONECMS & INTECH