Hơn 1 tháng cuối năm, thị trường sẽ ghi nhận khoảng 35.700 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán; gần 40% số này thuộc về nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa phát hành cáp cáo cập nhật tình hình trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, tính đến ngày 22/11, tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công ước đạt hơn 20.000 tỷ đồng - giảm 32% so với tháng trước và tiếp tục chậm dần kể từ tháng 9.
Đa phần các đợt phát hành trong tháng 11 đến từ nhóm tài chính - ngân hàng (chiếm 48% tổng giá trị phát hành); lãi suất phát hành có xu hướng nhích lên sau nhiều tháng đi ngang qua đó phát tín hiệu cho thấy lãi suất huy động của ngân hàng khó giảm thêm nữa.
Lũy kế 11 tháng qua, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 233.000 tỷ đồng - giảm 8% so với cùng kỳ; lãi suất bình quân là 8,5% - cao hơn mức trung bình 7,9% của năm ngoái.
Trong cơ cấu phát hành, ngân hàng là nhóm huy động nhiều nhất với khoảng 109.600 tỷ đồng; xếp sau là nhóm bất động sản với tổng giá trị phát hành 73.100 tỷ.
Ngược chiều, hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp có phần chững lại trong các tháng gần đây. Tính đến ngày 21/11, có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo về việc chậm, hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
"Uớc tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 70% giá trị chậm trả", MBS nêu.
Xem thêm: Lượng giao dịch giảm 50%, tồn kho bất động sản còn hơn 18 tỷ USD, HoREA cảnh báo nợ xấu
Dự kiến từ nay tới cuối năm 2023 thị trường sẽ ghi nhận khoảng 35.700 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán trong đó 39% thuộc về nhóm bất động sản.
Trước áp lực đáo hạn trái phiếu, để có thời gian cơ cấu lại dòng tiền và cải thiện khả năng trả nợ, đàm phán kéo dài thời gian là lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp bất động sản giữa bối cảnh khó tiếp cận dòng vốn tín dụng, thị trường chưa phục hồi hoàn toàn.