3 điểm yếu của thị trường việc làm sẽ khiến Fed phải 'tung đòn' cắt giảm lãi suất mạnh
Thị trường việc làm đang có những tín hiệu trái chiều, theo Goldman Sachs.
Theo Goldman Sachs, thị trường việc làm mạnh mẽ của Mỹ có một số điểm yếu và điều đó có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự kiến.
Các chiến lược gia tại ngân hàng chỉ ra những tín hiệu trái chiều trên thị trường việc làm. Tăng trưởng việc làm nhìn bề ngoài vẫn mạnh mẽ, nhưng một số xu hướng tuyển dụng ít được chú ý đang cho thấy bức tranh việc làm yếu hơn, ngân hàng cho biết trong một lưu ý hôm thứ Hai (17/6).
“Mặc dù các chỉ số trên thị trường lao động nhìn chung đang ở mức lý tưởng, chúng lại gửi đi những tín hiệu kém nhất quán hơn so với trước đại dịch”, các chiến lược gia cho biết.
Ảnh minh họa |
So sánh thị trường việc làm ngày nay với những năm trước khi Fed cắt giảm lãi suất cũng cho thấy một số lo ngại. Nhìn chung, điều kiện thị trường lao động hiện nay tốt hơn, nhưng chúng đang suy yếu với tốc độ nhanh hơn so với năm 1995, 1998 và 2019 - những năm Fed cắt giảm lãi suất mà không phải trong thời kỳ suy thoái.
Ngân hàng cho biết, nếu thị trường việc làm tiếp tục suy yếu, điều đó sẽ tạo cơ hội lớn hơn cho Fed cắt giảm lãi suất. Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương dự kiến chỉ cắt giảm lãi suất một lần vào cuối năm nay.
Các chiến lược gia cho biết thêm: "Chúng tôi nhận thấy rằng theo lịch sử, quyết định cắt giảm lãi suất nhạy cảm nhất với tỷ lệ thất nghiệp và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Việc thị trường lao động tiếp tục giảm nhẹ có thể khiến rủi ro hạ lãi suất trở thành trung tâm của vấn đề”.
Dưới đây là ba điểm yếu của thị trường lao động có thể dẫn đến việc lãi suất giảm nhiều hơn dự kiến:
1. Tăng trưởng việc làm hộ gia đình chậm lại
Các cuộc khảo sát hộ gia đình cho thấy bức tranh thất nghiệp yếu hơn so với báo cáo việc làm chính thức. Theo phân tích của Goldman Sachs, khi khảo sát các hộ gia đình, số lượng việc làm mới được tạo ra thấp hơn so với con số chính thức là 0,7 triệu vào năm 2023 và 1,4 triệu cho đến năm 2024.
Ngân hàng cho biết, phần lớn sự sụt giảm này là do các cuộc khảo sát việc làm của hộ gia đình không bao gồm người lao động nhập cư. Các chiến lược gia cho biết thêm, số lượng việc làm cũng đang giảm ở những người lao động trong độ tuổi 16-24, nhóm "biến động nhất" trên thị trường việc làm.
2. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng
Tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì gần mức thấp lịch sử, nhưng đã tăng ổn định trong năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4% trong tháng 5, là lần đầu tiên cán mốc này kể từ tháng 1/2022. Trong khi đó, các chiến lược gia lưu ý rằng tỷ lệ việc làm trung bình trong ba tháng đã tăng 0,4 điểm phần trăm.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4% trong tháng 5, là lần đầu tiên cán mốc này kể từ tháng 1/2022. Ảnh: BLS |
"Chúng tôi nhận thấy rằng mức tăng này diễn ra trên diện rộng giữa các ngành. Các ngành có phần dư thừa nhân lực như thông tin và vận tải hàng hóa đã chiếm khoảng 1/3 mức tăng chung, cho thấy rằng một số mức tăng có thể phản ánh tình trạng thất nghiệp tạm thời do sự dịch chuyển của lao động", chiến lược gia cho biết.
3. Tỷ lệ tuyển dụng đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch Covid-19
Các nhà tuyển dụng đang tuyển dụng ít hơn so với trước đại dịch. Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ tuyển dụng trung bình trong ba tháng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đại dịch. Theo một cuộc khảo sát từ ManpowerGroup, ý định tuyển dụng trong quý III/2024 đã giảm 8% so với mức ghi nhận vào năm ngoái.
Điều này ảnh hưởng phần lớn đến những người lao động mới tham gia thị trường việc làm. Theo phân tích dữ liệu thị trường lao động của Goldman, chỉ 10% -15% số người mới tham gia thị trường lao động đang tìm được việc làm.
Các nhà dự báo kinh tế khác đã cảnh báo về sự yếu kém của thị trường lao động trong năm tới, đặc biệt là khi Fed có vẻ sẵn sàng giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng ít nhất 0,5 điểm phần trăm ở 19 tiểu bang - một dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế có thể sắp xảy ra, theo một nhà kinh tế học.
>> “Fed cắt giảm lãi suất cơ bản từ tháng 12 sẽ là quyết định hợp lý”
Các nền kinh tế Đông Nam Á không còn phụ thuộc nhiều vào các quyết định của Fed
S&P 500 lập kỷ lục, lần đầu tiên vượt mốc 5.400 điểm sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất