3 lý do tăng trưởng tín dụng thấp
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nêu 3 lý do tăng trưởng tín dụng thấp.
Chiều 27/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo NHNN, đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây đã tăng nhanh hơn; tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, tại báo cáo trước đó của NHNN, tính cuối tháng 9/2023, tín dụng đạt trên 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022. Như vậy, chỉ qua khoảng 25 ngày, tín dụng đã quay đầu giảm 0,11%.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) |
Tại hội nghị, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng.
"Xét về cân đối cung - cầu tín dụng cho thấy hệ thống đang dư cung tín dụng rất lớn. Nhưng tăng trưởng tín dụng chưa cao không phải từ phía cung tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác", ông Quang nêu rõ.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm.
Thứ nhất là trong bối cảnh khó khăn chung, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.
Thứ hai là một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là việc tiếp cận tín dụng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ ba là sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng vay được các tổ chức tín dụng đánh giá cao hơn.