7 Ngân hàng Trung ương lớn nhất thế giới bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ
7 trong số 10 ngân hàng trung ương quản lý các đồng tiền lớn nhất thế giới đã bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ và xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục.
Tính đến hiện tại, 7 trong số 10 Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới, quản lý các đồng tiền được giao dịch nhiều nhất, đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Chu kỳ này được dự báo sẽ tiếp diễn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phải đối mặt với áp lực suy giảm tăng trưởng.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã mạnh tay cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng trước, lần đầu tiên sau hơn 4 năm. Dù thị trường kỳ vọng sẽ có thêm các đợt cắt giảm, các chuyên gia cho rằng Fed có thể không tiếp tục cắt giảm mạnh do nền kinh tế Mỹ vẫn còn vững vàng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng không nằm ngoài xu hướng khi đã cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay, và thị trường dự đoán sẽ có thêm 25 điểm cơ bản cắt giảm tại mỗi cuộc họp sắp tới. Mục tiêu của ECB là đưa lãi suất trở lại mức trung lập vào cuối năm 2025.
Tại Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã hạ lãi suất từ 5,25% xuống 5% vào tháng 8, khi lạm phát giảm mạnh xuống còn 1,7%. Giới đầu tư hiện kỳ vọng BoE sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất hai lần nữa trong năm nay.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell phát biểu tại họp báo ngày 18/9, nguồn: Internet |
Tương tự, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cũng đang đối mặt với tình trạng lạm phát quá thấp, hiện chỉ còn 0,8%. Điều này đã thúc đẩy SNB tiếp tục giảm lãi suất để kích thích xuất khẩu, đặc biệt khi đồng franc Thụy Sĩ đang mạnh hơn so với đồng euro.
Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng từ tháng 5 và tiếp tục giảm lãi suất xuống 3,25% vào tháng 9. Riksbank có thể sẽ tiếp tục cắt giảm thêm vào các tháng cuối năm và đầu năm 2025.
Tại Canada, thị trường dự đoán Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) sẽ giảm lãi suất lần thứ tư vào cuối tháng này, khi nền kinh tế Canada đối mặt với suy thoái và lạm phát giảm xuống mức 2%.
Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) cũng có không gian để cắt giảm lãi suất sau khi lạm phát đã giảm xuống 2,2% trong quý II, lần đầu tiên trong phạm vi mục tiêu từ năm 2021. Dự kiến, RBNZ sẽ tiếp tục nới lỏng vào tháng 11 và có thể là tháng 2/2025.
Ngược lại, một số ngân hàng trung ương vẫn giữ quan điểm "diều hâu" như Norges Bank của Na Uy và Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), với quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao để kiểm soát lạm phát. Riêng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) là ngoại lệ, khi đang hướng tới việc tăng lãi suất, dù thị trường cho rằng nền kinh tế Nhật chưa sẵn sàng cho bước đi này.
Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn hiện nay đang cho thấy sự thay đổi quan trọng trong cách các nền kinh tế ứng phó với áp lực suy thoái toàn cầu, đánh dấu một giai đoạn mới trong chu kỳ kinh tế thế giới.
>> Ngân hàng Nhà nước ‘để ngỏ' khả năng giảm lãi suất điều hành