9 tháng "ác mộng" của các cổ phiếu VN30

05-10-2022 11:11|Thanh Long

Sau 9 tháng đầu năm, SAB hiện đang là cổ phiếu đắt nhất rổ VN30 trong khi có tới 8 mã lớn giao dịch dưới ngưỡng 20.000 đồng. Những nỗi buồn lớn nhất đang gọi tên SSI, HPG, VIC,...

Sau khi lập đỉnh 1.524 điểm trong phiên 4/4/2022, thị trường chứng khoán đã liên tiếp trải qua những đợt biến động mạnh.

Đây cũng là giai đoạn thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi các thông tin tiêu cực liên quan đến bắt bớ lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm, các hoạt động siết tín dụng qua kênh phát hành trái phiếu, các hành động từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chính sách điều tiết tiền tệ trong nước

Tính từ đầu năm, VN-Index đã ghi nhận 3 đợt điều chỉnh mạnh (giảm từ mức 1.498 điểm - tương ứng 420 điểm - 28%) trong đó đáng kể nhất là pha lao dốc từ đỉnh ngày 4/4 về mức 1.171,95 điểm (phiên 16/5) - tương ứng mức giảm 352 điểm (-23,1%). Tuy nhiên xen giữa đợt này, VN-Index cũng có nhịp hồi đáng kể quanh vùng 1.310 - 1.365 điểm (các phiên cuối tháng 4).

Nhịp giảm điểm kế tiếp diễn ra từ ngày 10/6 (mức 1.284) kéo VN-Index rơi về 1.149,61 điểm (ngày 6/7) - tương ứng mức giảm hơn 134 điểm (-10,5%).

Thị trường diễn biến tiêu cực cùng với các thông tin được dự báo gây bất lợi đã khiến đà giảm của thị trường chung tiếp tục trở nên vô định. Thậm chí mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng có liên quan đến tin đồn về khả năng phá sản của hai ngân hàng lớn hàng đầu thế giới là Deutsche Bank (Đức) và Credit Suisse (Thụy Sĩ) qua đó dấy lên lo ngại cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008 sẽ lặp lại.

Trong bối cảnh này, sự đi xuống của các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là các nhóm trụ cột là điều nhà đầu tư hoàn toàn có thể nhận diện.

Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm 2022

Cổ phiếu VN30 giảm sâu sau 9 tháng

Theo Vnbusiness, tính đến cuối quý III/2022, có tới 27/30 cổ phiếu VN30 giảm giá so với thời điểm đầu năm 2022 trong đó có 18 cổ phiếu có mức giảm trên 20% và 16 mã giảm trên 24% - cao hơn mức giảm của thị trường.

Đứng đầu trong nhóm giảm giá mạnh là cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI. Sau 9 tháng đầu năm, thị giá của SSI đã rơi về đáy tháng 3/2021 (mức 19.800 đồng) - giảm tới 58%. Nếu so với đỉnh giá lập được hồi cuối năm 2021 là 50.500 đồng, thị giá của mã hiện đã "bốc hơi" gần 61%.

Kết phiên 4/10, cổ phiếu SSI đứng mức 17.800 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup cũng liên tục chỉnh mạnh (thậm chí trong phiên 29/9 rơi về 54.600 đồng - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017). So với thời điểm đầu năm 2022, cổ phiếu VIC đã mất tới 46% giá trị và kết phiên 4/10 tại mức 57.000 đồng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với mã VHM của CTCP Vinhomes. Với việc giá cổ phiếu rơi sâu, VIC, VHM hiện không còn nằm trong nhóm vốn hóa 10 tỷ USD.

Cổ phiếu của “đại gia cao su” GVR (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng không “khá khẩm” khi góp mặt trong danh sách những mã lao dốc mạnh trong tháng 9.

Quý III vừa qua, mã này giảm hơn 7% thị giá. Tính chung 9 tháng, giá cổ phiếu GVR mất 43% và lùi về mức 19.850 đồng - tương ứng vốn hóa “bay” hơn 64.200 tỷ đồng (khoảng 2,8 tỷ USD).

SAB hiện đang là cổ phiếu đắt nhất rổ VN30 trong khi có tới 8 mã lớn giao dịch dưới ngưỡng 20.000 đồng

Không chỉ vậy, toàn bộ cổ phiếu “vua” trong nhóm VN30 cũng chịu chung số phận khi đều ghi nhận giảm giá so với đầu năm. Mức giảm hàng chục phần trăm giá trị xuất hiện phổ biến như CTG (-32%), STB (-35%), TCB (-35%), VIB (-37%), TPB (-39%), MBB (-17%), VPB (-25%), ACB (-20%),...

Ngoài ra, một số cổ phiếu khác có mức giảm 30 - 40% có thể kể đến như MSN (-30%), VHM (-36%), PLX (-39%), KDH (-39%),…

Gây chú ý nhất là cổ phiếu “quốc dân” HPG (Tập đoàn Hòa Phát) với mức giảm 40% kể từ đầu năm. So với đỉnh thời điểm cuối tháng 10/2021, cổ phiếu HPG đã để mất 55% thị giá và toàn bộ thành quả tăng giá trong năm 2021 cũng bị xoá sổ. 

Hiện thị giá cổ phiếu HPG chỉ còn 18.850 đồng/cổ phiếu.

5,4 tỷ USD rời khỏi "hầu bao" của các tỷ phú Forbes Việt Nam

Dẫn nguồn Tiền phong, cập nhật dữ liệu theo thời gian thực của Forbes (Mỹ) cho thấy, danh sách tỷ phú USD của Việt Nam gồm có 7 đại diện gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Được biết tại thời điểm Forbes công bố, tổng tài sản các tỷ phú Việt Nam năm 2022 đạt hơn 21 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng nửa năm, với việc thị trường chứng khoán liên tục “tạo đáy mới”, tài sản của các tỷ phú sụt giảm mạnh và hiện còn khoảng 15,8 tỷ USD - giảm tới 5,4 tỷ USD.

Từ chỗ có 3 tỷ phú trong nhóm 1.000 người giàu nhất Việt Nam hiện chỉ còn 2 đại diện.

Các tỷ phú USD hiện tại của Việt Nam

Sau khoảng 6 tháng, khối tài sản của Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng “bốc hơi” tới 3 tỷ USD và hiện chỉ còn 4,3 tỷ USD (hạng 614 thế giới).  

Đại diện còn lại trong nhóm 1.000 tỷ phú USD là ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Nova Group với khối tài sản 3 tỷ USD (hạng 933) và cũng là tỷ phú duy nhất có tài sản gia tăng trong nửa năm qua, từ (2,9 tỷ USD lên 3 tỷ USD). Năm 2022 cũng là lần đầu tiên ông Nhơn lọt danh sách tỷ phú của Forbes.

Đứng vị trí thứ 3 trong số 7 tỷ phú USD của Việt Nam trong danh sách của Forbes là tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo với khối tài sản của bà Thảo hiện đang ở mức 2,4 tỷ USD - giảm 700 triệu USD sau 6 tháng gần đây. Bà Thảo hiện đang đứng thứ 1.177 theo danh sách Forbes.

Đứng vị trí thứ 4 Việt Nam và xếp hạng 1.692 thế giới, tài sản của ông Hồ Hùng Anh cũng giảm 700 triệu USD qua nửa năm, từ mức 2,3 tỷ USD xuống còn 1,6 tỷ USD. 

Xếp thứ 5 trong danh sách tỷ phú Forbes Việt, "vua thép" Trần Đình Long là tỷ phú ghi nhận tỷ lệ thiệt hại lớn nhất khi mất tới 1,6 tỷ USD (khoảng 50%) trong vòng nửa năm và hiện còn 1,6 tỷ USD (thứ hạng từ 951 đã lùi sâu về 1.744).

Hai vị trí còn lại lần lượt là tỷ phú Trần Bá Dương, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Trong 6 tháng qua, tỷ phú Trần Bá Dương là người có tài sản sụt giảm nhẹ nhất khi chỉ mất 100 triệu USD.

Ông Dương xếp hạng 1.818 theo thống kê của Forbes với khối tài sản 1,5 tỷ USD trong khi tỷ phú Nguyễn Đăng Quang xếp thứ 1.957 với khối tài sản 1,4 tỷ USD - giảm 500 triệu USD sau nửa năm. 

Phố Wall đã hồi gần 1.600 điểm, vì sao VN-Index vẫn tiêu cực?

Giá vàng hôm nay 2/5/2024 lao dốc, vàng miếng SJC có thể sụt giảm

Fed giữ nguyên lãi suất cao nhất 23 năm: Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh 'sẽ khó tăng lãi suất trở lại', chứng khoán Mỹ lập tức bật tăng

Vàng sắp bị bán tháo hay vọt lên giá trăm triệu đồng/lượng?

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/9-thang-ac-mong-cua-cac-co-phieu-vn30-151971.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
9 tháng "ác mộng" của các cổ phiếu VN30
POWERED BY ONECMS & INTECH