9 triệu người có nguy cơ đẩy Nhật Bản vào khủng hoảng nghiêm trọng
Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng này. Tuy nhiên, các biện pháp vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề trong ngắn hạn.
Nhật Bản đã kỷ niệm "Ngày tôn trọng người cao tuổi" trên toàn quốc vào đầu tuần này, nhấn mạnh một thực tế có phần đáng lo ngại: đất nước này đang có số lượng công dân cao tuổi đạt mức kỷ lục.
Dữ liệu Chính phủ công bố trước sự kiện cho thấy dân số Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 36,25 triệu người.
Mặc dù tổng dân số đang giảm, nhưng nhóm người ở độ tuổi 65 trở lên đã tăng lên 29,3% dân số - tỷ lệ cao nhất ở bất kỳ quốc gia nào - theo Cục Thống kê thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản.
Nhà kinh tế trưởng Robert Feldman tại Morgan Stanley MUFG Securities nhận định, dữ liệu này làm tăng thêm lo ngại về sự thay đổi nhân khẩu học và tình trạng thiếu hụt lao động trong nước.
Một cuộc khảo sát từ Teikoku Databank vào tháng trước chỉ ra 51% các công ty trên mọi lĩnh vực tại Nhật Bản cảm thấy thiếu hụt nhân viên toàn thời gian.
“Vấn đề thiếu hụt lao động vẫn tệ như mọi khi”, Feldman nhận xét, lưu ý rằng tình trạng này đặc biệt xảy ra ở các ngành thâm dụng lao động như dịch vụ thực phẩm.
Trong khi đó, vào năm 2023, số lượng lao động từ 65 tuổi trở lên của Nhật Bản đã tăng trong năm thứ 20 liên tiếp lên mức kỷ lục 9,14 triệu người.
Feldman cảnh báo rằng khi những người lao động lớn tuổi này bắt đầu nghỉ hưu, Nhật Bản sẽ không có nhiều lao động trẻ thay thế họ.
Không có giải pháp chung cho tất cả
Dựa trên xu hướng gần đây, tỷ lệ người cao tuổi của Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục tăng, đạt 34,8% vào năm 2040, theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia.
Một báo cáo nghiên cứu gần đây từ Feldman của Morgan Stanley cũng ước tính rằng, tổng lực lượng lao động có thể giảm từ khoảng 69,3 triệu vào năm 2023 xuống còn khoảng 49,1 triệu vào năm 2050 - dựa trên xu hướng nhân khẩu học trong quá khứ.
Chính phủ Nhật Bản đã nhận ra những tác hại về kinh tế và xã hội có thể xảy ra từ những xu hướng này và đang thực hiện nhiều bước để ngăn chặn điều đó.
Một số biện pháp được đưa ra nhằm đảo ngược tình trạng tỷ lệ sinh đang giảm của nước này, với việc triển khai các chính sách như cung cấp thêm kinh phí cho nuôi dạy trẻ em và đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở chăm sóc trẻ em trong nước.
Chính quyền địa phương thậm chí còn hỗ trợ ứng dụng hẹn hò công khai nhằm mục đích giúp người dân Nhật Bản hòa nhập, kết hôn và sinh con.
Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ sinh sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động trong ngắn hạn, chuyên gia cho hay.
Vì vậy, Nhật Bản đã liên tục mở cửa cho nhiều người nhập cư hơn trong những năm gần đây, đạt kỷ lục 2 triệu lao động nước ngoài vào năm 2024 và dự kiến sẽ có thêm 800.000 người trong 5 năm tới.
Nhà phân tích Feldman đánh giá, để giải quyết khủng hoảng nhân khẩu trong nước trong vài thập kỷ tới, quốc gia này cần phải tăng thêm lao động nước ngoài với tốc độ nhanh hơn nhiều, lên tới hàng chục triệu người.
Nhưng ông cho rằng điều này khó có thể xảy ra, đồng nghĩa với việc phần lớn sự sụt giảm lực lượng lao động trong nước phải được bù đắp bằng năng suất tốt hơn của những người trẻ.
Ông nói thêm, để đạt được điều này, Nhật Bản sẽ cần nhiều vốn hơn để đầu tư vào năng suất của người lao động và triển khai các công nghệ mới như AI cũng như tự động hóa.
Đầu năm nay, Carlos Casanova, nhà kinh tế cấp cao phụ trách khu vực châu Á tại UBP, nói rằng công nghệ AI thường được coi là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Nhật Bản nhưng cho đến nay vẫn chưa làm được gì nhiều.
Casanova bình luận: “AI có thể là một phần của giải pháp, nhưng có những điều khác mà họ phải làm”. Ông gợi ý rằng, ngoài vấn đề nhập cư, đất nước này còn cần thực hiện những thay đổi về mặt xã hội và cơ cấu như tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ.
Theo CNBC
>> Nhật Bản: Số ca sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nửa đầu năm 2024
Trung Quốc chính thức tăng tuổi nghỉ hưu để đối phó già hóa dân số, bắt đầu từ năm 2025
Hàn Quốc hướng tới xu hướng trữ đông trứng trước tình trạng dân số giảm