Apple tăng tốc sản xuất tại Việt Nam để đưa hàng về Mỹ trước 'giờ G' áp thuế
Ngoài Apple, các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Meta, HP và Dell cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp tăng sản lượng tại Việt Nam.
Theo Nikkei Asia, Apple đang tăng cường sản xuất các sản phẩm chủ lực tại Ấn Độ và Việt Nam để tận dụng thời gian gia hạn 90 ngày đối với thuế nhập khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp khó khăn do Trung Quốc siết chặt kiểm tra hải quan.
Kể từ đầu năm, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp tăng sản lượng iPhone tại Ấn Độ. Tuy nhiên, công suất các nhà máy ở đây đã đạt mức tối đa, khiến việc mở rộng thêm sản xuất trở nên khó khăn. Một số nguồn tin cho biết Apple đã hỗ trợ các nhà cung cấp mua thêm thiết bị để nâng sản lượng iPhone tại Ấn Độ lên vài triệu chiếc nữa.
Apple đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 50 triệu chiếc iPhone tại Ấn Độ trong năm nay, đồng thời muốn phần lớn mẫu iPhone mới dành cho thị trường Mỹ sẽ được sản xuất tại đây. Bên cạnh đó, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp tăng cường sản xuất Macbook và iPad tại Việt Nam để phục vụ thị trường Mỹ.
Apple cũng đã đề nghị các nhà cung cấp chuyển càng nhiều linh kiện và bộ phận từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và Ấn Độ càng tốt để hỗ trợ việc tăng sản xuất. Hãng cũng đang tìm cách mở rộng sản xuất các dòng sản phẩm khác phục vụ thị trường Mỹ.
Ngoài ra, Apple thúc đẩy việc chuyển sản xuất các linh kiện như bảng mạch in sang Thái Lan và các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, một số linh kiện như đầu nối, bộ phận cơ khí và vỏ kim loại vẫn có chi phí sản xuất rẻ nhất khi làm tại Trung Quốc, khiến việc chuyển hầu hết hoạt động sản xuất sang nơi khác gặp khó khăn.
Một lãnh đạo của nhà cung cấp linh kiện cho Apple chia sẻ: “Một khách hàng yêu cầu chúng tôi chuyển tất cả linh kiện sang Đông Nam Á và Ấn Độ bằng đường hàng không càng nhiều càng tốt, như thể họ đang gom hết hàng tồn từ Trung Quốc”. Ông cho biết công ty của ông sẽ phải tự chi trả chi phí tăng thêm do việc vận chuyển bằng đường hàng không.
Một quản lý của một nhà cung cấp lớn khác nói thêm: “Apple rất nghiêm túc trong việc khảo sát nhiều địa điểm sản xuất linh kiện tại Thái Lan. Việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang được đẩy nhanh”.
Tuy nhiên, việc vận chuyển thiết bị sản xuất từ Trung Quốc ra nước ngoài đang gặp khó khăn. Nhiều nguồn tin cho biết hải quan Trung Quốc đã siết chặt kiểm tra trong nhiều tháng qua, khiến quá trình này bị đình trệ.
Một lãnh đạo của đối tác lắp ráp Apple cho biết: “Không phải chúng tôi không muốn mở rộng sản xuất, nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Việc đưa thiết bị sản xuất ra khỏi Trung Quốc vẫn là một thách thức lớn”.
>> Apple kéo thêm ông lớn Nhật Bản vào Việt Nam, xây nhà máy linh kiện iPhone 340 triệu USD
Theo Nikkei Asia, các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Meta, HP và Dell cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp tăng sản lượng tại Việt Nam, nhằm dự trữ hàng cho thị trường Mỹ trước khi thời gian gia hạn 90 ngày kết thúc.
Cuối tuần qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một số ngoại lệ đối với thuế nhập khẩu cho các sản phẩm công nghệ sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm điện thoại và máy tính xách tay. Tuy nhiên, nếu các sản phẩm này được sản xuất tại Trung Quốc rồi nhập vào Mỹ, chúng vẫn phải chịu mức thuế cơ bản 20%.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết rằng các sản phẩm điện tử, kể cả chip bán dẫn, có thể sẽ phải chịu thêm một loại thuế riêng. Quyết định này sẽ được công bố trong thời gian tới, khiến ngành công nghệ càng thêm lo ngại về sự bất ổn trong thời gian sắp tới.
Apple đã không phản hồi khi được Nikkei Asia yêu cầu bình luận.