Bao đời vật lộn trong lũ dữ, người Hà Tĩnh hiến kế 'nước dâng nhà nổi'
Để chủ động sống chung với lũ, bà con xã Điền Mỹ (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã đầu tư xây dựng nhà phao. Đến mùa lũ, bà con an tâm vì ngôi nhà sẽ nổi lên khi nước tràn về.
Xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là vùng thấp, trũng. Nơi đây được xem là rốn lũ của huyện miền núi bởi hễ mưa lớn vài ngày là nhiều khu vực nước dâng tận nóc nhà.
Để chủ động sống chung với lũ, ngoài việc dự trữ thức ăn, di tản gia súc gia cầm lên vị trí cao, bà con xã Điền Mỹ còn xây dựng nhà phao tránh lũ.
"Chúng tôi xây dựng nhà phao để khi lũ đổ về, nước dâng cao là nhà phao sẽ tự nổi. Lúc đó cả gia đình có thể an tâm ngồi trong nhà, không sợ nguy hiểm đến tính mạng", ông Nguyễn Đình Thiện (trú xã Điền Mỹ) nói.
Hằng năm, khi nghe đài báo mưa lũ sắp về, cả gia đình ông Thiện lại tất bật dọn dẹp đồ đạc, thu hoạch mùa màng để sẵn sàng đón lũ.
Sinh ra và lớn lên ở vùng rốn lũ, ông Thiện đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Theo ông, cứ đến thời điểm sau ngày mùng 10/8 âm lịch, nơi ông sinh sống có thể sẽ xảy ra lũ lụt.
"Thời điểm này, nếu ngoài đồng còn hoa màu thì phải thu hoạch về nhà, kê cao tài sản, gia súc gia cầm phải đưa lên vị trí cao để tránh lũ.
Những năm trước, mỗi lần nước lũ dâng cao, cả gia đình thấp thỏm đứng ngồi không yên, mở đài phát thanh liên tục để ngóng tin dự báo thời tiết. Nếu mưa liên tục dài ngày, chúng tôi sẽ chuẩn bị tinh thần di tản đồ đạc.
Trước đây khi chưa xây dựng nhà phao, mỗi gia đình đều tự sắm một chiếc thuyền gỗ để làm phương tiện lưu thông khi nước ngập băng đường sá", ông Thiện nói.
Từ tháng 6 năm nay, khi kinh tế gia đình dư dả hơn, ông Thiện đã đầu tư hơn 50 triệu đồng để làm nhà phao nổi. Theo ông, kinh phí làm nhà phao không quá nhiều nhưng có thể chứa được khoảng 6 tấn.
Ngoài việc đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình, nhà phao nổi còn dùng để chứa đồ đạc, tài sản khi nước lũ dâng cao.
"Ngôi nhà phao nổi được lợp bằng tôn, dựng lên bằng khung sắt và phía dưới đặt hàng chục thùng phuy được gắn kết cố định.
Khi nước lũ về, những thùng phuy này sẽ nổi lên trên mặt nước, đồng nghĩa với việc nhà phao cũng nổi lên. Khi đó tài sản và tính mạng của gia đình sẽ được đảm bảo, có thể an tâm ngồi chờ nước lũ rút".
Ông không nhớ sáng kiến nhà phao nổi này bắt nguồn từ đâu nhưng từ năm 2010 đến nay, khi một người dân trong làng làm nhà phao nổi và phát huy hiệu quả, người dân Điền Mỹ đã học tập và nhân rộng mô hình.
"Ở vùng này, ngoài nhà phao nổi, nhà nào cũng có thiết kế đặc biệt để tránh lũ. Phía trên cao, người dân còn làm một cái chạn (gác xép - PV).
Những năm trước, khi nước bắt đầu mấp mé ngoài đường, phía trong nhà chúng tôi đã kê gác đồ đạc lên chạn. Khi nước vào nhà, cả gia đình sẽ trèo lên chạn để sinh hoạt, chờ nước rút", ông Thiện nói thêm.
An tâm đón lũ
Ông Nguyễn Đình Duy (75 tuổi, trú xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê) không nhớ nổi đã bao lần phải chạy lũ.
Trước đây hễ mưa to, nước sông Ngàn Sâu dâng cao, cùng với việc thủy điện xả lũ, ông Duy lại "sốt ruột", bảo ban các thành viên trong gia đình chuẩn bị tinh thần để chạy lũ, di tản đồ đạc lên vị trí cao.
Cách đây 4 năm, do tuổi cao, sức yếu, việc chạy lũ nguy hiểm và bất tiện, ông Duy bàn với các thành viên làm nhà phao. Từ đó đến nay, lũ lụt kéo về, ông Duy và gia đình có thể an tâm ngồi trên nhà phao chờ nước rút.
"Nhà phao lấy ý tưởng từ những chiếc lồng bè nuôi trồng thủy sản nên khá tiện lợi. Nước nổi là nhà nổi. Sống giữa rốn lũ, nếu chúng tôi không chủ động phòng tránh thì chắc sẽ thiệt hại rất nhiều", ông Duy nói.
Trao đổi với VietNamNet, ông Hà Văn Đàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Khê cho biết, từ những năm 2010 đến nay, mô hình nhà phao được xây dựng khá phổ biến ở xã Điền Mỹ.
"Đây là sáng kiến tuyệt vời bởi kinh phí xây dựng không nhiều nhưng đảm bảo an toàn về người và tài sản khi mùa mưa lũ về", ông Đàn nói.
Đến nay ở xã Điền Mỹ đã có trên 60 hộ dân làm nhà phao và 200 hộ có bè phao tránh lũ. Lãnh đạo UBND xã Điền Mỹ cho hay, trước mùa lũ về, chính quyền xã đặt ra các tình huống xử lý lũ theo từng cấp độ.
"Nếu lũ lớn sẽ báo động cấp 1, vạch ra phương án sơ tán dân. Lũ báo động 2 thì hoa màu, gia súc và con người sẽ đưa đến đâu. Nếu lũ đạt đỉnh thì bà con sẽ làm gì, ở đâu sẽ là nhà tránh trú an toàn.
Nhờ đó, sau mỗi trận lũ đi qua, thiệt hại về người dần giảm hẳn", lãnh đạo xã Điền Mỹ nói. Cũng theo lãnh đạo xã Điền Mỹ, sáng kiến làm nhà phao nổi đã đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân.
"Chi phí làm nhà phao không quá lớn nên thời gian tới, địa phương sẽ động viên người dân làm nhà phao để sống chung với lũ một cách an toàn”, lãnh đạo UBND xã Điền Mỹ nói thêm.