Tài chính Ngân hàng

Báo động: 20% trái phiếu đáo hạn trong một năm tới đối mặt với rủi ro cao chậm trả nợ gốc

Hoàng Hiếu 19/08/2024 - 14:53

Ước tính trong tháng 8, có khoảng 7.300 tỷ đồng trong số 18.600 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết, trong 12 tháng tới, ước tính 20% trong số 259.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn là những trái phiếu có rủi ro cao về chậm trả nợ gốc đến hạn.

Trong số đó, 90% là những trái phiếu đã từng chậm trả lãi coupon ít nhất một lần và hiện đang đối mặt với tỷ lệ đòn bẩy cao, nguồn tiền mặt thấp, và biên EBITDA mỏng.

VIS Rating ước tính rằng, trong tháng 8/2024, có khoảng 7.300 tỷ đồng trong số 18.600 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn.

Đáng chú ý, 4.300 tỷ đồng trái phiếu trong số này được phát hành bởi các công ty thuộc ngành Xây dựng và Bất động sản dân cư, bao gồm những cái tên như Novaland, Hưng Thịnh Land, và Đại Thịnh Phát. Phần còn lại được phát hành bởi một công ty thuộc ngành Dịch vụ.

Báo động: 20% trái phiếu đáo hạn trong một năm tới đối mặt với rủi ro cao chậm trả nợ gốc
Trái phiếu có rủi ro cao trong tháng 8 phân theo nhóm ngành và loại hình doanh nghiệp, nguồn: VIS Rating

>>Hơn 190.000 tài khoản nhà đầu tư cá nhân đã đầu tư vào trái phiếu

Áp lực thanh toán của các doanh nghiệp bất động sản được dự báo sẽ khó được giải tỏa trong bối cảnh thị trường chưa phục hồi hoàn toàn và những vướng mắc pháp lý vẫn tiếp diễn do độ trễ của các chính sách. Các doanh nghiệp cần thêm thời gian để cân đối lại dòng tiền kinh doanh.

Trước tình hình này, nhiều ý kiến lo ngại rằng khả năng vỡ nợ trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu thuộc ngành bất động sản, có thể xảy ra.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản đã gia hạn được nợ trái phiếu là khá lớn. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và bắt đầu phát hành trở lại để giảm áp lực vốn.

Báo động: 20% trái phiếu đáo hạn trong một năm tới đối mặt với rủi ro cao chậm trả nợ gốc
Lượng trái phiếu đáo hạn trong 1 năm tới theo nhóm ngành và trái phiếu rủi ro cao, nguồn: VIS Rating

Tại hội thảo về thị trường trái phiếu tổ chức vào sáng 16/8, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhận định:

"Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn và quá hạn thanh toán vẫn còn cao. Tuy nhiên, kỳ vọng với đà tăng trưởng kinh tế khá cao trong năm 2024 - 2025 và sự phục hồi của sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của đa số các doanh nghiệp (đặc biệt là khối niêm yết), rủi ro này sẽ giảm dần".

TS Cấn Văn Lực cũng cho biết thêm rằng tình hình đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất từ tháng 6 - 8/2023 sau khi có Nghị định 08 cho phép đàm phán giãn, hoãn nợ.

Trong năm 2024, thị trường trái phiếu có 213.000 tỷ đồng đáo hạn, trong đó riêng ngành bất động sản chiếm 37%, tương đương khoảng 70.000 tỷ đồng.

Về cơ bản, 60% doanh nghiệp đã gia hạn được nợ trái phiếu thêm 2 năm (với điểm rơi là tháng 6/2025). Nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu và bắt đầu phát hành trở lại để giảm áp lực vốn.

Ngoài ra, với việc thị trường bất động sản ấm lên, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bán tài sản để trích ra một phần trả nợ. Do đó, khả năng vỡ nợ ít có khả năng xảy ra khi giai đoạn khó khăn nhất đã qua và nhiều giải pháp đồng bộ đã được áp dụng để giải quyết.

>>VIS Rating: Có đến 12.200 tỷ đồng trái phiếu chậm trả phát sinh mới từ đầu năm

VIS Rating: Có đến 12.200 tỷ đồng trái phiếu chậm trả phát sinh mới từ đầu năm

Gần 210.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong tình trạng chậm trả, bất động sản chiếm gần 70%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bao-dong-20-trai-phieu-dao-han-trong-mot-nam-toi-doi-mat-voi-rui-ro-cao-cham-tra-no-goc-245826.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Báo động: 20% trái phiếu đáo hạn trong một năm tới đối mặt với rủi ro cao chậm trả nợ gốc
POWERED BY ONECMS & INTECH