Bão sa thải tiếp tục càn quét: Hàng chục ngàn lao động ngành bán lẻ, bất động sản, sản xuất mất việc

15-05-2023 22:39|Quỳnh Như

Ba tháng đầu năm 2023, lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, sản xuất chứng kiến “làn sóng” cắt giảm lao động, giờ làm.

Mới đây, thông tin về việc PouYuen Việt Nam – “đại công xưởng” chuyên gia công cho Nike, Adidas sẽ cắt giảm thêm gần 6.000 lao động cho thấy tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn đã và đang tiếp tục kéo dài. Nhiều nhà sản xuất đã nỗ lực xoay xở nhưng nỗi lo lắng về sụt giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất, công nhân mất việc vẫn đang hiển hiện.

Trước đó, tháng 2/2023, tình hình đơn hàng khó khăn, công ty đã phải cắt giảm 2.358 người lao động. Ngoài ra, từ tháng 11/2022, công ty này cũng phải cho gần 20.000 công nhân nghỉ việc luân phiên trong 2 ngày cuối tuần để đảm bảo ai cũng có việc làm.

Với ngành sản xuất giày da, không chỉ Pouyuen đã và sẽ còn cắt giảm, giãn việc với người lao động, mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang trong cảnh tương tự do thiếu đơn hàng. Chỉ riêng tại quận Bình Tân (TP.HCM), có 11 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày với khoảng 1.500 công nhân bị giảm việc làm.

Trong ngành bán lẻ, CTCP Đầu tư Thế giới Di động có quý thứ 2 liên tiếp cắt giảm lượng lớn lao động. Kinh doanh gặp khó, quy mô nhân sự của Thế giới Di động lập tức bị thu hẹp đáng kể. Quý 1/2023, hơn 5.200 lao động bị cắt giảm việc làm. Qua nửa năm, nhân sự biến động giảm hơn 12.000 người.

Làn sóng sa thải nhân viên địa ốc cũng tiếp tục kéo dài khi thị trường bất động sản chưa phục hồi. Loạt doanh nghiệp lớn cắt giảm lao động ở nhiều vị trí, từ môi giới kinh doanh, truyền thông cho đến cả công nghệ thông tin. Các ông lớn như Đất Xanh giảm 1.384 lao động, Phát Đạt giảm 111 nhân sự, Novaland giảm 42 lao động so với đầu năm (trước đó đã cắt giảm 500 người trong 6 tháng cuối năm 2022)...

Đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, có doanh nghiệp giảm đến 50% số lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, quý 1/2023, cả nước có 1,05 triệu người thất nghiệp, 150.000 lao động mất việc, gần 300.000 người bị giãn việc.

Tại các địa phương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết về nhu cầu sử dụng lao động của gần 4.000 doanh nghiệp trong quý 1/2023, so với cuối năm ngoái, gần 31% giảm lao động, trên 50% giữ nguyên, không tuyển mới và khoảng 19% tăng lao động.

Còn theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cũng cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2023, có 181 số doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nguyên nhân do tác động, ảnh hưởng tiêu cực của tình hình thế giới, nguồn cung nguyên vật liệu, xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng, tình trạng lạm phát tại châu Âu và Bắc Mỹ buộc người dân phải cắt giảm tiêu dùng... Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, kinh doanh đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Sự khó khăn của doanh nghiệp kéo theo tình trạng người lao động bị thiếu việc làm, thất nghiệp. Đời sống của họ cũng vì vậy mà gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh lạm phát leo thang. Nhiều lao động không thể xin việc đã phải bỏ nghề, tìm kiếm các công việc thời vụ như xe ôm công nghệ, bốc vác, giúp việc,...

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức trong quý 2. Bên cạnh một số ngành tăng tuyển dụng thì sẽ có những nhóm tiếp tục sụt giảm việc làm.

Dự báo các ngành may mặc sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000; in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 người…

Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng cắt giảm lao động diễn ra thời gian qua nguyên nhân chính do các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, khi cắt giảm lao động, doanh nghiệp sẽ thay thế lao động có tay nghề thấp, những lao động có tay nghề tốt sẽ được ưu tiên giữ lại.

Lợi nhuận "ảm đạm" nhất trong một thập kỷ, "ông lớn" ngành bán lẻ Thế giới Di động sa thải 13.000 nhân viên

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bao-sa-thai-tiep-tuc-can-quet-hang-chuc-ngan-lao-dong-nganh-ban-le-bat-dong-san-san-xuat-mat-viec-183248.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bão sa thải tiếp tục càn quét: Hàng chục ngàn lao động ngành bán lẻ, bất động sản, sản xuất mất việc
POWERED BY ONECMS & INTECH