Doanh thu bất động sản của thành phố sở hữu trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam cho thấy chiều hướng tích cực của lĩnh vực này tại đây.
Cục Thống kê TP. HCM mới đây đã công khai báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 của thành phố. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP. HCM ước đạt 367.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, thị trường bất động sản của TP. HCM có chiều hướng tăng tích cực với doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản ước đạt 80.845 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. So với con số 61.000 tỷ đồng trong quý I/2024, TP. HCM đã thu thêm gần 19.800 tỷ đồng trong tháng 4/2024 với kinh doanh bất động sản. Như vậy, kinh doanh bất động sản tiếp tục đóng góp khoảng 22% tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ của thành phố, đứng sau bán lẻ hàng hóa. Tín hiệu tích cực này của thị trường bất động sản TP. HCM cho thấy lãi suất ngân hàng giảm, các chính sách của Nhà nước đã phát huy hiệu quả.
Cùng với kinh doanh bất động sản, trong 4 tháng đầu năm, các khoản thu về nhà đất của thành phố cũng đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước.
>> 'Siêu sân bay' Long Thành ngăn chặn chiếm dụng đất bằng công trình dài 30km
Trước đó, tại cuộc họp kinh tế - xã hội quý I/2024 của UBND TP. HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm nay, thành phố dự tính thu trên 35.000 tỷ đồng từ đất đai, trong đó, nguồn thường xuyên là thu thuế trong mua bán chuyển nhượng nhà đất. Trong quý I/2024, thành phố thu trên 1.400 tỷ đồng tiền thuế nhờ cấp 1.849 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và đăng ký biến động cho 83.131 trường hợp. Dự kiến khoản này sẽ góp khoảng 1.100 tỷ đồng mỗi quý tới.
Nguồn đấu giá các lô đất được UBND TP. HCM chấp thuận dự kiến sẽ mang về 1.700 tỷ đồng. Nguồn khác dự kiến đem về 36.000 tỷ đồng cho ngân sách thành phố là khoản từ 55 dự án được duyệt giá đất.
Bên cạnh đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. HCM cùng các đơn vị chuẩn bị văn bản hướng dẫn cấp sổ đỏ cho hộ gia đình đang sử dụng đất không có giấy tờ từ ngày 1/7/2014, khi Luật Đất đai có hiệu lực (dự kiến từ đầu năm 2025 hoặc tháng 7 tới). Việc tháo gỡ nhóm vướng mắc lâu nay sẽ tạo nguồn thu từ cấp sổ đỏ của thành phố.
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, giải trí, một trong hai trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng tại Việt Nam. Đây cũng là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Trong quý I/2023, TP. HCM đạt mức tăng trưởng 5,81%, tăng 0,7% so với quý trước đó, hứa hẹn có bứt phá mạnh trong các quý tiếp theo.