Bắt giữ người phụ nữ lừa đảo hơn 2.600 người Việt Nam
Hiện tại, Ngo Thi Theu đang bị tạm giữ tại Thái Lan và chờ dẫn độ về Việt Nam để tiếp tục điều tra và xét xử.
Ngày 23/5, Cảnh sát Phòng chống Tội phạm Thái Lan (CSD) đã bắt giữ Ngo Thi Theu (hay còn gọi là Madam Ngo) tại một khách sạn ở khu vực Khlong Tan, Watthana, cùng với hai vệ sĩ.
Trước đó, Ngo Thi Theu đã bị Interpol truy nã toàn cầu vì liên quan đến đường dây lừa đảo quốc tế. Nhóm này chuyên lừa đảo công dân Việt Nam tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền điện tử và ngoại hối.

Bằng những chiêu trò tinh vi, Madam Ngo cùng đồng phạm dụ dỗ những người cả tin bằng lời hứa hẹn về lợi nhuận khủng, từ 20-30%. Không những thế, chúng còn sử dụng người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá hình thức đầu tư này.
Nhóm này thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, thuyết phục người dân về khả năng sinh lời nhanh chóng, mức lãi cao và mời được thêm người tham gia sẽ nhận được hoa hồng. Khi mức đầu tư thấp, những người đầu tư có thể rút được một phần lợi nhuận. Tuy nhiên, khi nạn nhân đã tin tưởng, tiếp tục đầu tư số tiền lớn hơn thì Madam Ngo và đồng bọn "thu lưới", biến mất không dấu vết.
Với thủ đoạn này, hơn 2.600 người Việt đã rơi vào bẫy của mạng lưới lừa đảo, gây thiệt hại lên đến ít nhất 300 triệu USD.
Sau khi phát hiện Ngo Thi Theu trốn sang Thái Lan, Cảnh sát Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng Thái Lan để truy bắt. Ba người đã bị đưa về đồn cảnh sát Khlong Tan để làm thủ tục.
Trong quá trình thẩm vấn, Ngo Thi Theu đã thú nhận tham gia vào đường dây lừa đảo đầu tư. Ngo Thi Theu cũng khai rằng phần lớn số tiền lừa đảo đã được chuyển cho kẻ cầm đầu. Số tiền mà Ngo Thi Theu có được nhờ lừa đảo đã được "rửa tiền" thông qua các khoản đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam.
Hiện tại, Ngo Thi Theu đang bị tạm giữ tại Thái Lan và chờ dẫn độ về Việt Nam để tiếp tục điều tra và xét xử.
Hiện nay, có nhiều hình thức lừa đảo vô tình tinh vi, đặc biệt là chiêu trò kết hợp tâm lý và công nghệ khiến nhiều người mắc bẫy. Một trong những hình thức phổ biến là mô hình Ponzi (kim tự tháp). Các đối tượng xấu đánh trúng tâm lý nhẹ dạ cả tin, muốn lãi nhanh nên thường hứa hẹn lợi nhuận cao, thậm chí đến mức phi lý. Chúng thường dùng tiền của người tham gia mới để trả cho những người tham gia trước. Khi không còn nguồn vốn mới đổ vào, hệ thống sẽ sụp đổ và những người tham gia cuối cùng sẽ mất trắng.
Ngoài ra, hình thức lừa đảo giả mạo thông tin (phishing) cũng đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Những kẻ lừa đảo sẽ tạo lập website, email hoặc tin nhắn giả mạo các sàn giao dịch, ví điện tử uy tín, nhằm đánh lừa người dùng nhập thông tin bảo mật như khóa riêng tư, mã OTP. Khi thông tin cá nhân bị đánh cắp, ví của người dùng sẽ bị rút sạch tiền.
Một thủ đoạn lừa đảo khác là mạo danh người nổi tiếng hoặc các dự án lớn. Các đối tượng lừa đảo thường tạo lập tài khoản mạng xã hội giả mạo các nhân vật có ảnh hưởng trong ngành, quảng bá "cơ hội đầu tư nội bộ", "tặng thưởng" để dụ dỗ người dùng gửi tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân.
Chính vì thế, người dân cần liên tục cập nhật thông tin, cẩn trọng trước những lời mời gọi về cơ hội kiếm tiền quá dễ dàng để tránh bẫy lừa đảo.
Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa: Lừa đảo vào tận nhà, lừa mẹ tôi 400 nghìn tiền rác
Cảnh báo lừa đảo, giả mạo bán tour du lịch hè giá rẻ khiến nhiều người mắc bẫy