Bất ngờ: Nhiều lao động trình độ cao ở Việt Nam đang làm tự do

10-11-2022 13:44|Hải Đăng

Hiện Việt Nam có 20,6% lao động trình độ cao đang tham gia lái xe công nghệ, con số này ở nhóm giao hàng công nghệ và giúp việc lần lượt là 36,7% và 11,4%.

Ngày 8/11, tại hội thảo “Xu hướng thị trường lao động trong kỷ nguyên số”, Trung tâm Nghiên cứu Dân số, Lao động – Việc làm thuộc Viện Khoa học Lao động Xã hội - ILSSA (Bộ LĐTB&XH) đã tổ chức khảo sát về thực trạng nền kinh tế việc làm tự do (GIG) dưới tác động của bối cảnh chuyển đổi số.

Trong đó, phần lớn lao động khu vực này thuộc những người trẻ và đầu trung niên (25 - 44 tuổi), chiếm 75,8%. Đây cũng là khu vực chiếm phần lớn trình độ lao động ở mức hạn chế với 70% không qua đào tạo, 2,2% sơ cấp, 4,8% trung cấp, 7,8% cao đẳng, 15,2% đại học trở lên.

Đáng chú ý, có 20,6% lao động trình độ cao đang tham gia lái xe công nghệ, 36,7% tham gia làm shipper (giao hàng) công nghệ và 11,4% làm giúp việc gia đình.

Qua khảo sát, nền kinh tế việc làm tự do có mức độ ổn định cao, khi 82,2% lao động coi đây là việc làm chính của họ và 94,1% người lao động không/chưa có dự định chuyển việc trong khoảng 2 – 5 năm tới.

Nguyên nhân người lao động chọn những công việc này là do tính linh hoạt, chủ động về thời gian làm việc và thu nhập tốt. Ngoài ra, những công việc này còn ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và dễ dàng chuyển đổi.

Đây cũng là cơ hội tối đa hóa thu nhập và lợi ích khi tham gia nhiều ứng dụng và cùng làm việc cho nhiều đối tác khác nhau. Thực tế, có 8,5% người lao động GIG đang hợp tác cùng lúc với hai hãng công nghệ và làm cùng một nghề.

Thời gian làm việc bình quân của lao động GIG cũng cao hơn mức thông thường, khoảng 8,44 giờ/ngày. Số giờ cao nhất ở các nhóm lái xe và giao hàng công nghệ.

Thu nhập bình quân/tháng của người lao động GIG ở mức 9,15 triệu đồng/tháng (thời điểm trước giãn cách xã hội ở Hà Nội từ tháng 7), trong đó, lái xe công nghệ có mức thu nhập cao nhất, trung bình trên 10,76 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, Viện Khoa học Lao động Xã hội cũng chỉ ra những bất cập của khu vực GIG khi hầu hết lao động chỉ có giao kết hợp đồng công việc hoặc hợp đồng đối tác mà không có hợp đồng lao động theo quy định của Nhà nước, do đó họ không được bảo đảm quyền lợi lao động và an sinh xã hội khi gặp rủi ro.

Hầu hết người lao động GIG không có hỗ trợ tiền ăn, chế độ nghỉ phép, khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ tết, trang cấp bảo hộ lao động.... Lao động GIG chủ yếu nhận 2 chế độ chính tiền thưởng/hoa hồng (76,7%), thưởng do làm vượt định mức (70,4), tip của khách hàng (6,3%).

Đặc biệt, người lao động chỉ được chủ động lựa chọn thời gian làm việc và nghỉ ngơi bằng cách ngắt kết nối app làm việc. Thu nhập và lịch trình làm việc của họ hầu hết đều bị kiểm soát. Thậm chí, lao động GIG có nguy cơ bị khóa tài khoản tạm thời hoặc vĩnh viễn nếu thường xuyên hủy đơn hàng hay để tụt hạng/tụt sao trong bảng theo dõi qua app.

Có thể thấy dưới tác động kép của đại dịch và kỷ nguyên số, thế giới việc làm tại Việt Nam đã và đang chứng kiến những thay đổi lớn liên quan đến người lao động và địa điểm, cách thức làm việc. Trong đó, xu hướng nổi bật của lực lượng lao động thời vụ/ngắn hạn, sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới của thời đại 4.0.

Bước sang năm 2025, cách tính mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp có gì mới?

34 doanh nghiệp tuyển dụng 16.000 lao động, thu nhập đến 22 triệu đồng, có cả chính sách đưa đón

Bài thuộc chủ đề Sản xuất, Công nghiệp
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bat-ngo-nhieu-lao-dong-trinh-do-cao-o-viet-nam-dang-lam-tu-do-157569.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bất ngờ: Nhiều lao động trình độ cao ở Việt Nam đang làm tự do
    POWERED BY ONECMS & INTECH