Becamex IDC (BCM) muốn đầu tư vào tỉnh có dự án sản xuất thanh ray của Hòa Phát (HPG)
Mới đây, Becamex IDC (BCM) đã trình bày ý tưởng đầu tư dự án khu đô thị và dự án khu công nghiệp vào Phú Yên.
Ngày 24/10, đoàn công tác tỉnh Bình Dương đã có chuyến công tác tại tỉnh Phú Yên. Tại buổi làm việc, đại diện Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC - HoSE: BCM) đã trình bày ý tưởng đầu tư dự án khu đô thị và dự án khu công nghiệp vào Phú Yên.
Lãnh đạo, đội ngũ chuyên gia của Tổng công ty Becamex IDC đã trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo tỉnh Phú Yên về quy hoạch tỉnh, các tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, môi trường, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư tại Phú Yên.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC, đồng Chủ tịch VSIP Group Bình Dương, cho rằng với sự kết nối giữa 2 tỉnh Bình Dương và Phú Yên sẽ tạo điều kiện để công ty đầu tư các dự án vào Phú Yên.
Đoàn công tác tỉnh Bình Dương làm việc tại Phú Yên |
Đồng thời, ông Hùng cũng mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư triển khai dự án tại Phú Yên.
Liên quan đến dự án khu công nghiệp, mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã đề cập “tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc liên quan đến các dự án trước đây để tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Hòa Phát hoàn thiện các thủ tục để đầu tư 3 dự án tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, Cảng Bãi Gốc nhằm sớm khởi công, đầu tư hoàn thành, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Phú Yên và xúc tiến đầu tư vào ngày 3/3/2024, UBND tỉnh đã trao biên bản ghi nhớ đầu tư với Tập đoàn Hòa Phát 3 dự án bao gồm: Dự án Cảng Bãi Gốc (24.000 tỷ đồng); Dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (13.300 tỷ đồng); Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (86.000 tỷ đồng).
Căn cứ sản xuất thanh ray của Hòa Phát
Ngày 24/10, UBND tỉnh Phú Yên cho biết đang đề nghị Bộ GTVT chấp thuận chủ trương kết nối tuyến đường sắt từ cảng Bãi Gốc với đường sắt Bắc - Nam theo quy hoạch của tỉnh này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, Tập đoàn Hòa Phát đã có văn bản gửi UBND tỉnh Phú Yên xin chủ trương để tập đoàn này nghiên cứu khảo sát dự án đầu tư tuyến đường sắt rẽ từ đường sắt Bắc - Nam ra cảng Bãi Gốc.
Vị trí chiến lược tại nhà máy thép trong Khu công nghiệp Hòa Tâm được Hòa Phát hướng đến đầu tư - Ảnh: Thảo Nguyên |
Nhà máy thép mới tại Phú Yên dự kiến xây dựng với quy mô tương đương Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 đang triển khai tại Quảng Ngãi. Điều này là lợi thế giúp Hòa Phát sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao, bao gồm thanh ray đường sắt có chiều dài từ 50m đến 100m - một yêu cầu kỹ thuật đặc biệt cho các dự án đường sắt tốc độ cao.
Điểm đáng chú ý là thay vì vận chuyển qua đường bộ, các thanh ray này sẽ được vận chuyển trực tiếp bằng đường sắt, tạo kết nối cho việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Kết nối này sẽ giúp tối ưu hóa quá trình vận chuyển, đặc biệt là hàng hóa khối lượng lớn từ nhà máy thép đến các khu vực trên cả nước, thông qua cảng Bãi Gốc và hệ thống đường sắt hiện đại.
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, chủ trương ưu tiên sử dụng dịch vụ và hàng hóa sản xuất trong nước trong quá trình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa. Đặc biệt, các sản phẩm thép nội địa như của Hòa Phát sẽ được hưởng lợi lớn từ việc này.
Với vai trò là một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam, Hòa Phát có tiềm năng tham gia vào các gói thầu cung ứng vật liệu trong dự án này.
Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ yêu cầu khối lượng lớn thép phục vụ cho việc xây dựng cầu, đường và kết cấu hạ tầng mà còn đòi hỏi các loại thép chất lượng cao như thanh ray. Đây là lĩnh vực Hòa Phát đang tập trung nghiên cứu và có kế hoạch triển khai cụ thể, với mục tiêu sản xuất những thanh ray có độ dài từ 50m đến 100m tại các nhà máy thép trong Khu công nghiệp Hòa Tâm (Phú Yên).
>> Thiên đường du lịch của Việt Nam tập trung gỡ ‘nút thắt’ cho 3 dự án của Hòa Phát (HPG)